Xanh hóa ngành logistics
Hòa cùng quyết tâm của Chính phủ hiện thực hóa cam kết mức phát thải ròng bằng “0” tại COP26, “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, Ngành logistics cũng đã có những chiến lược hành động chung tay vào quá trình xanh hóa ngành, với các chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, đề án phát triển cảng xanh... Trong đó, chuyển đổi số và tự động hóa đang là những xu hướng thúc đẩy quá trình xanh hóa, phát triển bền vững logistics.
Như Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, việc hiện đại hóa thủ tục giao nhận hàng tại cảng đã tạo ra bước ngoặt lớn trong việc thông quan hàng hóa. Riêng ứng dụng SNP ePort được áp dụng tại cảng Cát Lái, với tỷ lệ check-in online hiện nay đã đạt đến 90% cho thấy sự tiện lợi của hệ thống giúp giảm thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng từ 13 phút xuống còn 6 phút; thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 2 phút/cont. "Chúng tôi cũng tiết kiệm khoảng 30.000- 50.0000 tờ giấy/ngày tại Cảng Cát Lái phục vụ chứng từ in ấn, giảm 3.000-5.000 lượt xe/ngày di chuyển từ Trung tâm thành phố và khu vực văn phòng hãng tàu đến cảng... giúp tăng sản lượng giao nhận cổng từ 11.000 lượt xe/ngày lên 19.000-20.000 lượt xe/ngày", ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết.
Hay như hệ thống quản lý kho hàng điện tử EWMS với việc điện tử hóa các giao dịch chứng từ đã giúp hơn 25.000 đại lý Forwarder, chủ hàng XNK, các công ty giao nhận vận tải đang sử dụng dịch vụ tại kho hàng Cát Lái chủ động về thời gian, không gian cũng như tiết kiệm được chi phí cho DN.
Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chú trọng đến phát triển giải pháp vận tải xanh với phương thức vận tải bằng sà lan, giúp giảm thiểu tối đa khí CO2 ra môi trường. Lợi ích từ việc sử dụng sà lan được thể hiện thông qua lượng nhiên liệu tiêu thụ trên mỗi tấn hàng vận chuyển (cùng 1 lít nhiên liệu để chuyên chở cùng 1 tấn hàng, sà lan có thể đi được 85 km trong khi xe đầu kéo chỉ có thể di chuyển 1 khoảng cách xấp xỉ 10 km). Mặt khác, vận chuyển bằng sà lan thường cách xa các khu vực dân cư đông đúc, giúp giảm thiểu vấn đề tiếng ồn, ô nhiễm môi trường dân cư, phù hợp với quy hoạch đô thị hóa của các tỉnh thành phố.
Lazada Việt Nam cũng đang kiến tạo cho mình hệ sinh thái logistics bền vững cho thương mại điện tử gồm 3 trụ cột. Trong đó với việc nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm, Lazada đã phát triển mạng lưới kho bãi và vận tải với 3 trung tâm chia chọn tự động lớn, hơn 120 trung tâm phân loại vệ tinh và 3 trung tâm xử lý hàng hóa với tổng diện tích 156.000 mét vuông giúp đáp ứng quy mô mua sắm và vận chuyển.
Trụ cột ứng dụng công nghệ & chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành được hiện thực hóa với ứng dụng khoa học công nghệ vào vận hành để tối thiểu rủi ro, đầu tư trung tâm chia, chọn để tăng năng suất. Hiện Lazada Logistics Park khu Công nghiệp Sóng Thần 1, Bình Dương có khả năng xử lý hơn 1 triệu đơn hàng/ngày. Lazada cũng áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Tự động hóa (Automation), Máy học (Machine learning) để giảm thiểu rủi ro và giảm chi phí nhân công; công nghệ Geolocation giúp theo dõi đơn hàng tự động.
Trụ cột phát triển logistics xanh bền vững cũng đang được hiện thực hóa với dự kiến trong năm 2023, Lazada đưa vào hoạt động 100 xe điện. Khuyến khích & đào tạo nhà bán hàng đóng gói thân thiện với môi trường bằng cẩm nang hướng dẫn đóng gói hàng hóa hiệu quả từ tháng 2/2022. Hiện Lazada tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng năng lượng mặt trời vào toàn bộ quy trình, qua đó đóng góp vào sự phát triển môi trường xanh.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương, hơn 66% DN được khảo sát có chiến lược phát triển logistics xanh. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 31% DN có sử dụng năng lượng tái tạo trong các hoạt động kho bãi. Như vậy, mặc dù nhiều DN đã có nhận thức về phát triển bền vững, song việc thực hành các hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững vẫn chưa có được hiệu quả lan tỏa. Công nghệ được coi là nền tảng cho việc xanh hóa logictis song hiện nay mới chỉ có khoảng 46% DN logistics đang ứng dụng công nghệ, song các loại hình công nghệ khác nhau khiến việc liên kết tối ưu hóa hệ thống logictics bị hạn chế.
Những hạn chế đó, được ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chỉ ra: một mấu chốt quan trong nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động, xanh hóa ngành logictics đó chính là hợp tác đồng hành cùng phát triển, tăng cường liên kết gia tăng tính cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam. Ông Lộc cũng đề xuất Nhà nước và các địa phương cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông, kết nối đa phương thức tạo thuận lợi phát triển dịch vụ logistics, tăng cường đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi để tăng cường hệ sinh thái logistics, tháo gỡ các “nút thắt” về giao thông để việc kết nối, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, đẩy mạnh liên kết vùng, giảm chi phí logistics cho các DN. Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục, xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, tiến tới số hóa và giải quyết các thủ tục trực tuyến. Hệ thống cơ sở pháp lý cũng cần được cập nhật theo kịp các xu hướng công nghệ, nhằm khuyến khích các DN mạnh dạn đầu tư, phát triển các dịch vụ, công nghệ mới…