Siết chặt quản lý vì một mùa lễ hội an toàn
Doanh nghiệp chủ động đối phó với dịch bệnh | |
Virus corona tác động trực tiếp đến ngành du lịch Việt |
Sau Tết cổ truyền, nhiều lễ hội truyền thống ở nước ta diễn ra và hành trình du xuân, cầu an của người dân lại trở nên sôi động. Tuy nhiên, hiện nay do tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp đang diễn biến phức tạp, nên Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 chỉ đạo các biện pháp tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra.
Để góp phần kiểm soát dịch bệnh này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cũng đã có công văn số 391/BVHTTDL-VHCS gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng chống dịch bệnh trong hoạt động lễ hội, di tích đầu năm Canh Tý 2020. Trong đó có việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại lễ hội và di tích về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này và trong trường hợp cần thiết, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người; căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo quy định của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội.
Chùa Hương vẫn đang thu hút hàng vạn người dân về trẩy hội |
Tín hiệu vui
Theo đánh giá của Bộ VH-TT&DL) năm nay, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội. Tiêu biểu như lễ hội làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh), lễ rước pháo được tổ chức trang nghiêm, các hoạt động văn hóa thể thao như hát Quan họ, hát Tuồng và các trò chơi dân gian thu hút được đông đảo nhân dân và du khách. Lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) đảm bảo an ninh, an toàn cho người tham gia lễ hội; lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng Bắc Quang, Hà Giang) với các hoạt động lễ cày tịch điền, hội thi cấy lúa, thi đi cà kheo…
Lễ hội chùa Hương vừa khai mạc ngày mùng 6 Tết Canh Tý (30/1) và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, lễ hội đã, đang đảm bảo tính trang nghiêm, văn minh khi không có tình trạng chen lấn, xô đẩy, chèo kéo du khách. Tính riêng trong ngày khai hội chùa Hương, đã có hơn 15 vạn lượt người dân khắp cả nước về trẩy hội, tất cả đều diễn ra an toàn. Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2020, 22 phương tiện vi phạm quy định, sử dụng thuyền gắn bình ắc quy để chở khách đã bị Ban tổ chức “tuýt còi” gần đây, đồng thời tiêu hủy hơn 300 các loại đồ chơi bạo lực bày bán tại không gian lễ hội.
Để lễ hội diễn ra xuyên suốt an toàn, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm, phòng ngừa các tệ nạn xã hội như bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan, sách báo ngoài luồng, đồ chơi trẻ em nguy hiểm, phản cảm. Để đảm bảo sự thanh tịnh cũng như sự an toàn cho du khách thập phương, Ban tổ chức nghiêm cấm xuồng, đò dịch vụ sử dụng động cơ hoạt động trên suối Yến, trừ một số lực lượng phục vụ lễ hội (công an, nhà chùa, cấp cứu, điện). Đặc biệt, Ban tổ chức tuyệt đối không bố trí các điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn. Để ngăn chặn hiện tượng phát sinh điểm thờ tự trái phép, Ban tổ chức tăng cường lực lượng phối hợp, thường xuyên kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh những tồn tại diễn ra trong lễ hội như đổi tiền lẻ, đốt nhiều vàng mã, ăn xin, khấn thuê, hàng quán lấn chiếm lối đi vào di tích, nâng giá trông giữ phương tiện...
Ngoài ra, các lễ hội lớn đầu năm như lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình), lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng đã đi vào khuôn khổ. Người dân đổ về lễ hội rất đông nhưng không xảy ra những sự cố hoặc có các hình ảnh phản cảm. Lễ hội Gióng đã kiểm soát tốt việc phát giò hoa tre, trầu cau cho nhân dân và du khách thập phương lấy may đầu năm, không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy và náo loạn từng khiến dư luận dậy sóng. Các lễ hội đã đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, đồng thời tạo khí thế thi đua sôi nổi trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.
Tăng cường quản lý
Để hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2020 và các năm tiếp theo đạt kết quả, Bộ VH-TT&DL vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.
Đặc biệt, một số địa phương đã nghiêm túc tực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ VH-TT&DL về tổ chức lễ hội trong bối cảnh dịch bệnh do chủng mới của vius corona gây ra đang có những diễn biến phức tạp; có thể dừng các lễ hội chưa tổ chức, hạn chế quy mô và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ an toàn của các lễ hội đã khai mạc
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định dừng tổ chức lễ hội Yên Tử và chùa Ba Vàng. Như vậy, sẽ không tổ chức các chương trình nghệ thuật và phần hội, mà chỉ thực hiện các nghi thức tâm linh do nội bộ nhà chùa và Ban quản lý di tích chủ trì.
Tuy nhiên, tại một số danh lam thắng cảnh và lễ hội, lượng người dân vẫn đổ về khá đông. Cùng với đó, công tác tuyên truyền và ý thức của người dân về việc tự bảo vệ, phòng chống dịch bệnh vẫn còn nhiều bất cập. Tại những nơi này, tỷ lệ người đeo khẩu trang rất ít. Đó là những diễn biến đáng lo ngại và cần các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để góp phần khống chế sự lây lan của dịch bệnh.