Virus corona tác động trực tiếp đến ngành du lịch Việt
Theo Sở Du lịch TP. HCM, thị trường du lịch thời gian vừa qua có nhiều biến động tiêu cực do dịch viêm phổi corona. Lượng khách du lịch quốc tế đến TP. HCM trong dịp Tết Nguyên đán 2020 (từ 26 tháng Chạp đến mùng 3 Tết Canh Tý) ước đạt 169 nghìn lượt khách, giảm 12% so với cùng kỳ. Nhiều chương trình đi du lịch ở Trung Quốc bắt đầu từ ngày mồng 1 Tết Canh Tý đã được các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố dừng tổ chức. Việc Trung Quốc cấm xuất nhập cảnh vì dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ thiệt hại nặng nề. Được biết, một số doanh nghiệp lữ hành ước tính thiệt hại đã lên tới vài chục tỷ đồng, chỉ trong khoảng thời gian từ Tết Nguyên đán đến nay.
Lượng đặt phòng khách sạn đang có xu hướng giảm |
Số liệu từ Sở Du lịch Hà Nội về hoạt động dịp Tết Nguyên đán 2020 cho thấy, do dịch cúm corona bùng phát, lượng du khách quốc tế đến Thủ đô ước tính giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều khách sạn 3 - 5 sao tại Hà Nội có công suất sử dụng phòng trung bình chỉ đạt khoảng 55%, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019. Còn theo số liệu từ Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an thành phố, 4 ngày Tết Nguyên đán 2020 từ ngày 24/1 đến hết ngày 27/1/2020 (tức từ ngày 30/12/2019 đến hết ngày 3/1/2020 âm lịch), lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ tăng nhẹ so với cùng kỳ, chủ yếu vẫn tập trung vào các thị trường khách du lịch trọng điểm là Hàn Quốc, Malaysia, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Đài Loan, Úc, Nhật Bản, riêng khách Trung Quốc giảm đáng kể 20%.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, dịch corona đã có tác động tương đối lớn đến quyết định của du khách trong việc huỷ kế hoạch đi du lịch trong giai đoạn từ tháng 1-4/2020. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã huỷ tour có 142 lượt khách, khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài hủy tour là 1.663 lượt khách, chủ yếu đăng ký đi du lịch Trung Quốc. Các thị trường du lịch khác hiện tại chưa có ảnh hưởng nhiều.
Đại dịch virus corona ở Trung Quốc đã gây ra cú sốc lớn đối với ngành du lịch toàn cầu và dự kiến sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh khách sạn trong thời gian tới. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã đồng loạt giảm hoặc hủy chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, bao gồm Air Canada, American Airlines, British Airlines, Cathay Pacific… Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra thông báo dừng khai thác tất cả các chuyến bay đi và đến giữa Việt Nam và các vùng có dịch tại Trung Quốc.
Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực gây ra từ đại dịch toàn cầu này. Các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng trong vài tuần qua không chỉ từ các nhóm khách đoàn, khách công tác mà cả các đối tượng khách lẻ. Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và mạng sống của con người thì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona còn gây ra ba tác động trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam.
Tác động đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong khi đây là thị trường nguồn khách lớn nhất đến nước ta, chiếm hơn 30% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019. Các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển cũng sẽ chịu tình trạng tương tự, trong đó Nha Trang - Khánh Hòa dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số khách quốc tế đến khu vực, chiếm hơn 70% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019 (theo thông tin từ Sở Du lịch Khánh Hòa). Không chỉ tác động đến thị trường du lịch đơn thuần, nhiều cuộc họp, hội nghị cũng bị trì hoãn để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, dẫn tới sự sụt giảm đáng kể lượng khách MICE và khách doanh nghiệp tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.
Tác động thứ hai là sự sụt giảm lượng khách quốc tế tại châu Á do đây được cho là khu vực có khả năng lây nhiễm cao hơn so với những điểm đến du lịch khác. Khu vực Đông Nam Á, sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ về thu hút khách quốc tế (138 triệu khách quốc tế trong năm 2019 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt mức ấn tượng 7.8% trong vòng 9 năm trở lại đây) thì dự kiến trong thời gian tới khu vực sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm khách quốc tế tương đối lớn. Một số điểm đến du lịch như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm du khách đến từ châu Âu, Úc, Mỹ… do khách đến từ các quốc gia này có khả năng cao sẽ hủy hoặc hoãn thời gian du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tác động cuối cùng phải kể đến nguồn cầu du lịch trong nước cũng sẽ sụt giảm đáng kể do đa số người dân có xu hướng tránh đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, trạm tàu, trạm xe buýt và cả các nhà hàng hay khu vực vui chơi giải trí. Nguồn cầu trong nước có thể được cải thiện hay không phụ thuộc chủ yếu vào công tác phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nếu dịch bệnh được kiểm soát và ngăn chặn thành công trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời gian tới, chúng tôi tin rằng ngành du lịch Việt Nam sẽ có sự hồi phục vào nửa cuối năm 2020 và tiếp tục là một trong những ngành công nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Đối với khách sạn và resort, đặc biệt là những nơi phục vụ lượng lớn khách hàng đến từ các khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi đặc biệt khuyến nghị tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch để đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho cả khách hàng và nhân viên làm việc tại đây, ông Mauro Gasparotti chia sẻ thêm.