Siết hoạt động thẩm định giá: Cần hợp lý và cụ thể
Mạnh tay chấn chỉnh thị trường
Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ khi Nghị định số 12/2021/NĐ-CP (Nghị định số 12) sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá chính thức có hiệu lực, hoạt động thẩm định giá trên thực tế đã được chấn chỉnh đáng kể.
Trước đó, trong các năm 2016-2020 số lượng doanh nghiệp thẩm định giá tăng rất mạnh hàng năm (trung bình tăng thêm 50 doanh nghiệp mỗi năm). Tuy nhiên, từ khi có Nghị định số 12 đến nay chỉ có thêm 11 doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện hành nghề thẩm định giá được cấp giấy phép mới.
Tính đến cuối tháng 6/2022, cả nước có 431 doanh nghiệp được cấp mã giấy chứng nhận hành nghề thẩm định giá, trong đó có hơn 300 doanh nghiệp đủ điều kiện và đang hoạt động kinh doanh dịch vụ này. Đáng chú ý là sau khi Bộ Tài chính tổ chức rà soát theo các quy định của Nghị định số 12 thì chỉ có 279 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động từ ngày 1/1/2022 so với tổng số 364 doanh nghiệp hoạt động trong năm 2021, giảm 23%.
Chấn chỉnh hoạt động thẩm định giá để việc đấu giá tài sản được thực hiện minh bạch, hiệu quả hơn. |
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, việc áp dụng Nghị định số 12 cũng như siết chặt quản lý nhà nước đối với hoạt động thẩm định giá khiến hoạt động ở lĩnh vực này được chấn chỉnh khá nhiều. Tuy nhiên, những bất cập hiện hữu trong Luật Giá 2012 cũng như các nghị định, thông tư hướng dẫn khiến hoạt động thẩm định giá vẫn tồn tại nhiều kẽ hở pháp lý, dẫn đến xuất hiện các hành vi tiêu cực, cạnh tranh không lành mạnh, không bảo đảm lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, gây bức xúc trong dư luận và xã hội.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy đến hết tháng 6/2022, cơ quan này đã buộc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của 123 doanh nghiệp; tiến hành đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đối với 68 lượt doanh nghiệp.
Điều này cho thấy, các pháp lý đối với hoạt động thẩm định giá cần tiếp tục được hoàn thiện. Trong đó, các quy định mới trong Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) liên quan đến lĩnh vực thẩm định giá, như: quy định vốn điều lệ tối thiểu với doanh nghiệp thẩm định giá; quy định tiêu chuẩn hành nghề đối với thẩm định viên, nguyên tắc hiệp thương giá hay quy định hàng hóa do nhà nước định giá… đều là những quy định cần bổ sung trong luật mới để thanh lọc thị trường và minh bạch hóa hoạt động thẩm định giá.
Cân nhắc quy định về vốn và giá thị trường
Theo bà Đinh Thị Hà - Công ty TNHH Thẩm định giá VNG Việt Nam, việc Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) quy định vốn pháp định tối thiểu của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần thẩm định giá từ 5 tỷ đồng trở lên là quy định phù hợp. Vì quy định mức vốn tối thiểu như vậy sẽ thanh lọc được các doanh nghiệp yếu kém, tạo điều kiện để các doanh nghiệp uy tín phát triển nghề bền vững, tăng mức vốn điều lệ để tăng hiệu quả hoạt động. Trong khi cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ dễ dàng nắm bắt, thanh kiểm tra các doanh nghiệp thẩm định giá khi mô hình tổ chức cả về nhân sự và tài chính đều được thực hiện nghiêm chỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Gia Cường - Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam, quy định về vốn pháp định đối với doanh nghiệp thẩm định giá là một trong những quy định mà Bộ Tài chính cần xem xét cân nhắc xem có nên bổ sung vào hay không. Bởi doanh nghiệp thẩm định giá chủ yếu là cung cấp dịch vụ tư vấn, không thương mại hay sản xuất nên không có nhu cầu sử dụng vốn lớn.
Thực tế, hiện nay tại Việt Nam, các doanh nghiệp hoạt động tư vấn như kiểm toán, kế toán, công chứng, văn phòng luật, thừa phát lại… đều không phải áp dụng quy định vốn điều lệ tối thiểu. Do đó, quy định doanh nghiệp phải có 5 tỷ đồng vốn điều lệ là không phù hợp với bản chất của nghề tư vấn, tạo nên nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Cũng theo ông Cường, ngoài quy định về vốn pháp định, các quy định về “niêm yết giá”, “giá trị phi thị trường” trong Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cũng cần cân nhắc. Chẳng hạn đối với quy định về niêm yết giá, Dự thảo quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có nghĩa vụ “niêm yết giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết”. Tuy nhiên, quy định này không phù hợp với tập quán của người Việt Nam về mặc cả giá.
Hơn nữa với số lượng, yêu cầu kỹ thuật chọn thêm và điều kiện thanh toán, lắp đặt, bảo hành… khác nhau thì giá thanh toán sẽ khác nhau. Do đó chỉ nên quy định như trước đây là “phải niêm yết giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán không cao hơn giá niêm yết”.
Hay đối với khái niệm “giá trị phi thị trường”, ông Cường cho rằng Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cần bổ sung vào nội dung các quy định cụ thể. Bởi hiện nay, trong Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá vẫn đang có Tiêu chuẩn về cơ sở giá trị phi thị trường, nhưng trong Luật Giá 2012 chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, căn cứ để tính thuế đối với giá trị phi thị trường vẫn đang bỏ ngỏ.
Ngoài các quy định trên, một số chuyên gia cũng cho rằng Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cần cụ thể hóa một số nội dung như: thế nào là tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý hoặc trường hợp nào thì được phép tiết lộ thông tin khách hàng.
Theo đó, Điều 7 của Dự thảo quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không được lợi dụng chính sách của nhà nước để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, nhưng không nói rõ thế nào là “bất hợp lý”. Hoặc cũng trong điều này, có các quy định “doanh nghiệp thẩm định giá không được tiết lộ thông tin về hồ sơ, khách hàng thẩm định giá và tài sản được thẩm định giá”.
Tuy nhiên, nếu không được tiết lộ thông tin thì các trường hợp mua sắm tập trung của các sở, ngành, địa phương gặp khó khăn. Bởi thông tin tài sản cần thẩm định giá do khách hàng cung cấp chỉ dựa trên cấu hình thầu và thông số kỹ thuật cơ bản nên dễ xảy ra các rủi ro, sai sót trong việc tư vấn giá chính xác cho tài sản cần thẩm định.