Số hóa ngân hàng sẽ đóng góp lớn vào nền kinh tế
Ông Tim Evans |
Nếu chọn những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng 2022, ông sẽ nói điều gì?
Năm 2021 là một năm đặc biệt. Việt Nam đã có một khởi đầu tốt đẹp đúng như kỳ vọng trong quý I/2021 kinh tế tăng trưởng tích cực nhờ xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt mặt hàng công nghệ. Nhưng chúng ta không thể lường trước được tác động khó khăn của biến chủng Delta, nguyên nhân khiến nhiều tỉnh thành phố phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và tác động của nó làm cho GDP quý III giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam công bố số liệu GDP.
Tuy nhiên vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - một động lực chính của kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực và chỉ bị ảnh hưởng nhẹ trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Theo đó, tính đến ngày 20/11, tổng vốn đăng ký FDI vẫn tăng 0,1% với 1.577 dự án được cấp phép mới. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp quan trọng giúp tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng năm 2021 tăng 17,5% và giúp Việt Nam xuất siêu nhẹ.
Một động lực khác đến từ tiêu dùng sau khi gỡ bỏ giãn cách xã hội, nhu cầu mua sắm phục hồi, qua đó hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì ổn định, lạm phát cơ bản trong tháng 11 tăng 0,11% so với tháng 10 và tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước và vẫn trong ngưỡng lạm phát mục tiêu của Chính phủ đề ra.
Tuy nhiên liệu đà tăng trưởng có trở lại bền vững? Chưa ai dám chắc chắn trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng Omicron rất khó dự báo.
Vậy ông đánh giá thế nào về thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND?
Sau những biến động đến từ những yếu tố mang nhiều tính chất thời điểm, mùa vụ, tỷ giá đã được duy trì ổn định từ đầu năm đến nay, thậm chí VND có thời điểm còn tăng giá nhẹ. Theo tôi, với việc NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ và tỷ giá theo hướng linh hoạt, chủ động, theo sát diễn biến của thị trường nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ thị trường, chúng tôi có thêm lý do để tin tưởng về sự ổn định của tỷ giá trong tương lai gần.
Thậm chí chúng tôi dự báo, NHNN nhiều khả năng sẽ giảm giá mua USD thêm 100-150 đồng trước quý I/2022.
Cuộc đua chuyển đổi số của các ngân hàng mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế |
Năm 2021 chứng kiến những bước tiến tích cực trong số hóa, ông đánh giá thế nào về các ngân hàng đang cung ứng dịch vụ tài chính số trên thị trường?
Số hóa vốn dĩ chúng ta đã có những điều kiện thuận lợi để tiến xa hơn. Đó là dân số trẻ, các giải pháp công nghệ, hạ tầng viễn thông 3G,4G phủ gần như toàn quốc và số người sử dụng điện thoại di động cao… Một điều trở nên đặc biệt với hoạt động số hóa là đại dịch Covid-19 như một yếu tố giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ số hóa nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng.
Nếu trước khi đại dịch Covid xuất hiện, tỷ lệ đón nhận số hóa của Việt Nam còn khá thấp vì người dân chưa nhìn thấy lý do thôi thúc họ phải đăng ký dịch vụ ngân hàng qua mạng internet bởi mọi người vẫn còn đang chấp nhận quy trình sử dụng giấy tờ và chữ ký sống.
Tuy nhiên năm 2020, khi Việt Nam lần đầu tiên áp dụng giãn cách xã hội, người dân bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của ngân hàng trực tuyến và các dịch vụ trên mạng internet. Các ngân hàng đã lên kế hoạch dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), API…
Tại HSBC Việt Nam, tỷ lệ sử dụng ngân hàng trực tuyến tăng mạnh với các giao dịch kinh doanh thương mại và nhu cầu sử dụng các nền tảng số khác của chúng tôi cũng tăng lên nhanh chóng vì khách hàng có thể thực hiện giao dịch mọi lúc mọi nơi. Lợi thế phát sinh trong nghịch cảnh chính là Covid-19 đã thúc đẩy tỷ lệ chấp nhận và sử dụng ngân hàng số gia tăng. Giờ đây chúng cần hành lang pháp lý hoàn thiện hơn để kịp hỗ trợ quá trình số hóa đang diễn ra.
Mỗi ngân hàng cần tiếp tục đầu tư để đáp ứng những nhu cầu liên tục thay đổi của khách hàng, bên cạnh đó ngân hàng cần hỗ trợ thêm những người dân còn tâm lý e ngại thay đổi và lo lắng về an toàn trên không gian mạng. Trong tương lai chuyển đổi số sẽ là động lực quan trọng giúp phục hồi và phát triển kinh tế, khi đó ngân hàng sẽ đóng vai trò lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Hiện ngành Ngân hàng Việt Nam đang tập trung phát triển tín dụng xanh. Ông có chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này?
Tài chính xanh vẫn còn là thị trường non trẻ ở Việt Nam và còn nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam tiếp nhận giá trị đầu tư năng lượng tái tạo cao nhất ASEAN. Trong khi các tập đoàn toàn cầu ngày càng chú trọng đến ESG (môi trường – xã hội – quản trị), họ sẽ đòi hỏi một nguồn lực bền vững tốt hơn cả về chất lượng ở những nơi họ hoạt động.
Theo quan sát của chúng tôi, thị trường vẫn cần vượt qua một số trở ngại như thiếu nhân sự chuyên môn và kỹ năng; chưa có tiêu chuẩn thống nhất về tài chính xanh và phân loại rõ ràng; các đơn vị trên thị trường chưa cam kết rõ ràng và độ vênh giữa nhu cầu tài chính với nguồn vốn và dữ liệu ESG chưa minh bạch.
Chúng tôi cho rằng, NHNN có thể ban hành tiêu chuẩn cụ thể cho từng công cụ tín dụng, để các ngân hàng chủ động lên kế hoạch phát triển các công cụ của thị trường vốn. Theo đó, có thể đặt mục tiêu cho từng ngân hàng về tỷ lệ dư nợ tín dụng xanh, nâng trần tăng trưởng tín dụng cho nhóm áp dụng tín dụng xanh, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, không áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với dư nợ tín dụng xanh. Đồng thời, NHNN cân nhắc giảm hạn mức tăng trưởng tín dụng những ngân hàng không đạt tỷ lệ tín dụng xanh…
Xin trân trọng cảm ơn ông!