Số hóa thúc đẩy sự thịnh vượng của Đông Nam Á
Số hóa giúp quá trình ra quyết định nhanh hơn |
Tăng trưởng ổn định trong 20 năm qua, kinh tế của các nước trong khu vực Đông Nam Á đang phát triển cùng với ứng dụng công nghệ ngày càng gia tăng. Ví dụ: tỷ lệ sử dụng Internet của khu vực Đông Nam Á đạt 58,6%, cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu 50% và thanh toán số của khu vực này tới năm 2025 dự kiến vượt 1.000 tỷ USD về giá trị giao dịch. Theo báo cáo về Kinh tế số Đông Nam Á 2020, ngành thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng 46% và Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, ở mức 41%.
Từ góc độ việc làm, một khi tiến trình số hóa gia tăng, lao động thủ công và xử lý công việc dựa trên giấy tờ chắc chắn sẽ trở nên lỗi thời và người lao động lúc này sẽ trở nên thừa thãi. Cùng với đó, tình trạng thiếu kiến thức về kỹ thuật số có thể sẽ cản trở khả năng tiếp cận của nhiều người Đông Nam Á tới các kiến thức và những giải pháp tạo ra tài sản.
Với các quy trình ngày càng được tự động hóa và các công ty đầu tư ngày càng nhiều vào công nghệ, con người cần phải có tư duy phát triển và ưu tiên kỹ thuật số để có thể thành công trong công việc và phát triển tài sản cá nhân. Tuy nhiên, các Chính phủ và doanh nghiệp sẽ đóng vai trò rất quan trọng.
Phát triển kỹ năng của tương lai
Nâng cao kỹ năng và tái lập kỹ năng là một phần quan trọng của quá trình khôi phục sau đại dịch Covid-19. Tác động của đại dịch và sự gia tăng nhanh chóng của quá trình số hóa đã làm thay đổi cách thức chúng ta làm việc và những kỹ năng mà các công ty yêu cầu.
Các Chính phủ, ngành giáo dục và các công ty phải cùng hợp tác để giải quyết thách thức này và ngăn chặn sự gia tăng khoảng cách về kỹ năng khiến cho bất bình đẳng trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn.
Các công ty cần giúp nhân viên của mình phát triển các kỹ năng chính như sáng tạo, kết nối và trong các lĩnh vực có thể chuyển giao, bởi vì những kỹ năng này cải thiện các hình thức làm việc linh hoạt. Nhu cầu về các kỹ năng liên quan tới công nghệ cao khác sẽ tiếp tục gia tăng, như phân tích dữ liệu, điện toán đám mây và công nghệ chuỗi khối. Những người có chuyên môn trong các lĩnh vực này, kết hợp với những kỹ năng có thể chuyển giao mạnh mẽ sẽ có cơ hội được tuyển dụng nhiều hơn.
Một ví dụ, ngân hàng HSBC đã làm việc với Chương trình gắn kết công nghệ vào tài chính (Technology in Finance Immersion Programme - TFIP) do Chính phủ Singapore tài trợ để giúp các cá nhân tích lũy kinh nghiệm trong các lĩnh vực công nghệ chính như trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng.
Để giải quyết vấn đề chuyển đổi công việc, các khoản hỗ trợ đào tạo hoặc các sáng kiến phải phổ biến hơn và dễ tiếp cận hơn trên toàn khu vực, như Chương trình chuyển đổi nghề nghiệp (Professional Conversion Programme - PCP) của Chính phủ Singapore chú trọng nhắm đến các đối tượng là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và kỹ thuật viên và những người chuyển đổi nghề nghiệp sang các lĩnh vực tăng trưởng mới phù hợp với nền kinh tế kỹ thuật số.
Điều này sẽ giúp dân số ngày càng tăng của khu vực với mức độ chênh lệch về trình độ kỹ thuật số vẫn có khả năng cạnh tranh, có thể được tuyển dụng và cơ động về mặt kinh tế.
Số hóa đối với tiếp cận các giải pháp tài chính cá nhân
Trong khi khả năng được tuyển dụng đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện phúc lợi tài chính, thì khả năng tiếp cận và nhận thức về các sản phẩm tài chính cũng rất cần thiết để giúp các cá nhân bảo toàn và phát triển tài sản của họ.
Ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, khả năng tiếp cận sản phẩm và dịch vụ ngân hàng tốt hơn và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều hơn dẫn đến việc người tiêu dùng tham gia vào ngân hàng số và thanh toán số cũng nhiều hơn. Các tổ chức dịch vụ tài chính cũng đang phản ứng tích cực lại thông qua việc đẩy mạnh quá trình số hóa các sản phẩm và dịch vụ của mình.
Ví dụ, các dịch vụ tài chính bao gồm cho vay, đầu tư và bảo hiểm hiện đang phát triển mạnh mẽ - dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng hơn 20% mỗi năm.
Tương lai của thịnh vượng chính là sự kết hợp giữa công nghệ tốt nhất với chuyên môn của con người để mang lại trải nghiệm lập kế hoạch đầu tư và quản lý tài sản một cách liền mạch.
Có rủi ro thường trực là những cá nhân thiếu kiến thức tài chính hoặc kỹ thuật số cần thiết có thể bị tụt lại phía sau. Các tổ chức tài chính nên tập trung vào việc tạo ra các giải pháp quản lý tài sản kỹ thuật số thật đơn giản và an toàn, đồng thời làm việc với các Chính phủ để có các kế hoạch xây dựng ý tưởng và nguồn lực nhằm phổ cập kiến thức tài chính.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa cho các quốc gia như Indonesia và Việt Nam, những nơi được dự báo sẽ có tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh. Ở các quốc gia mới nổi này, các kỹ năng cơ bản về lập ngân sách, tiết kiệm và đầu tư sẽ trở nên rất quan trọng, và người dùng có thể học được thông qua các kênh kỹ thuật số. Tỷ lệ người sử dụng các thiết bị di động cao có nghĩa là các giải pháp quản lý tài sản kỹ thuật số cũng có khả năng phát triển mạnh ở những quốc gia này.
Đồng thời, ý thức về an ninh mạng nên được nâng cao. Quá trình số hóa diễn ra nhanh chóng do đại dịch cũng đồng thời tạo ra nhiều cơ hội mới cho tội phạm mạng. Tại Singapore, các vụ lừa đảo thương mại điện tử đã tăng 19,1% với 3.354 trường hợp được báo cáo so với năm 2019.
Một hướng đi đúng là Sàn giao dịch dữ liệu tài chính Singapore (SGFinDex), nơi liên kết các nguồn dữ liệu khác nhau từ các ngân hàng tham gia với các ứng dụng lập kế hoạch tài chính. Điều này cho phép các cá nhân củng cố thông tin tài chính của họ, cung cấp một cái nhìn tổng thể về các nguồn lực để lập ra kế hoạch tài chính hiệu quả.
Các ngân hàng và tổ chức tài chính cần hướng đến sự cân bằng phù hợp giữa những gì công nghệ có thể đạt được để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, với nhu cầu giải quyết các rủi ro tiềm ẩn một cách chủ động.
Cần hành động để nắm bắt cơ hội
Trong khi đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số, đại dịch Covid-19 cũng đồng thời làm nổi bật khoảng cách về kỹ năng và kiến thức tại các nước Đông Nam Á. Các Chính phủ trong khu vực nên chủ động có hành động để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và tạo ra các nền kinh tế số cởi mở hơn, bao trùm hơn nhưng cũng có trách nhiệm hơn.
Các hành động này nên tập trung vào việc kích hoạt cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, xây dựng kỹ năng và kiến thức số cũng như tăng cường các hoạt động bảo vệ lao động và xã hội.
Tương tự, các doanh nghiệp và tổ chức tài chính cần phải đồng hành nhanh cùng với tham vọng chuyển đổi kỹ thuật số của khu vực. Đó có thể là chuyển đổi cách thức quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch và thanh toán xuyên biên giới để giúp người tiêu dùng quản lý tài chính của họ dễ dàng hơn thông qua việc giới thiệu các nền tảng đầu tư và ngân hàng kỹ thuật số an toàn hơn.
Quan trọng nhất, giáo dục tài chính và kỹ thuật số là chìa khóa để các cá nhân có thể tự bảo vệ sự giàu có và đảm bảo khả năng tài chính của họ.