Số hóa trong quản trị doanh nghiệp: Cuộc đua về công nghệ
Đầu tư công nghiệp công nghệ cao: Năng lực quản trị sẽ quyết định | |
Thêm hình thức mới đào tạo quản trị doanh nghiệp | |
Hiệu quả hóa chức năng tài chính và quản trị doanh nghiệp |
Cuộc CMCN 4.0 đã tạo nên đường đua khốc liệt về công nghệ để tạo sự cạnh tranh giữa các DN trên thị trường. Dù hoạt động trong lĩnh vực nào, nếu không tham gia vào đường đua công nghệ để giúp hoạch định chiến lược, quản lý tài chính, nhân lực... thì chắc DN sẽ bị tụt hậu, khó bắt kịp xu hướng. Các chuyên gia nhận định, DN nào ứng dụng và tận dụng được lợi thế công nghệ thì sẽ giành lợi thế. Bởi vậy, chuyển đổi số trong quản trị DN đang là xu thế mà các DN hướng tới.
Hiện nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh khiến hầu hết các DN đang gặp khó khăn, nhiều DN đã không chịu nổi sức ép buộc phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2020 có sự giảm sút nhẹ về số lượng DN thành lập mới nhưng số DN rút lui khỏi thị trường lại tăng mạnh. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm cả nước có 124.252 DN thành lập mới, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó có đến 93.490 DN rút lui khỏi thị trường, bao gồm 44.440 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2019; 33.607 DN chờ giải thể, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2019; 15.443 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy việc ứng phó với tác động của thị trường của các DN Việt Nam còn yếu và bắt buộc phải có những thay đổi cơ bản trong quản trị điều hành.
Số hóa là xu hướng tất yếu của các DN Việt |
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ vào công tác quản trị sẽ đem đến nhiều thành công hơn cho mỗi DN. Nếu trước đây, việc quản trị DN được hỗ trợ bởi một số ứng dụng đơn lẻ như các phần mềm kế toán, bán lẻ, quản lý kho... thì hiện nay, các DN đang hướng đến một giải pháp quản trị tổng thể và đồng nhất cho mọi hoạt động của DN. Và hiện nay, ERP (Enterprise Resource Planning) là giải pháp đáp ứng được yêu cầu quản trị toàn diện của DN, có thể linh hoạt và mở rộng đáp ứng được những thay đổi liên tục của quy mô cũng như cơ cấu DN.
Cùng với AI, BigData trên nền tảng IoT, ERP ngày càng thông minh hơn, trở thành công cụ hiệu quả đối với các mô hình kinh doanh lớn như các tập đoàn, DN... có nhiều công ty con, đơn vị thành viên. Cụ thể, ERP có thể kết nối dữ liệu của nhiều đơn vị khác nhau trên cùng một hệ thống, tự động hóa một số tác vụ nhất định giúp tăng năng suất của người dùng. Từ đó, góp phần giúp DN gia tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận…
Có thể nói chuyển đổi số giúp các DN, nhất là DNNVV có thể tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực. Tuy nhiên hoạt động triển khai ứng dụng công nghệ số của các DN vẫn còn khó khăn do nhiều nguyên nhân.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội, chuyển đổi số là con đường duy nhất để DN có thể phát triển và cạnh tranh bền vững với chi phí tiết kiệm nhất. Đặc biệt, việc quản trị DN tốt sẽ tăng khả năng ứng phó kịp thời và giảm thiểu các ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài đến DN. Nhưng hiện nay, số lượng DN ứng dụng công nghệ trong quản trị DN còn khá thấp. Phần lớn DNNVV đang phải đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi số như thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong DN.
Mặc dù các DN đều nhìn nhận được lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số vào công tác quản trị nhưng trên thực tế việc triển khai còn rất nhiều khó khăn. Tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đã khiến nguồn vốn của các DN dần hạn hẹp, ảnh hưởng lớn tới chiến lược đầu tư công nghệ trong thời điểm hiện tại. Các DN buộc phải cân nhắc kỹ các khoản đầu tư ngoài những chi phí vận hành bắt buộc. Bên cạnh đó, các DN, nhất là DNNVV có quy mô nhỏ và số lượng nhân viên ít nên cũng chưa thực sự quan tâm trong lĩnh vực này.
Bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc công ty MISA phân tích, tại các DN có quy mô vừa và nhỏ, nhu cầu nghiệp vụ đơn giản, nhân sự ít và yếu nên khó triển khai các giải pháp tổng thể phức tạp với ngân sách hạn chế. Chính bởi vậy, để thúc đẩy quá trình số hóa trong thời gian tới thì cả Nhà nước và DN cùng phải có những giải pháp thiết thực. Trong đó khuyến khích xây dựng các giải pháp công nghệ cho DN, áp dụng được diện rộng. Đồng thời có chính sách hợp tác với các công ty phần mềm quốc tế để cập nhật các xu hướng và công nghệ mới, có chính sách sử dụng các phần mềm quốc tế với chi phí ưu đãi cho DN.
Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển DN công nghệ số Việt Nam đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2030: Phát triển 100.000 DN công nghệ số; phát triển 1,5 triệu nhân lực công nghệ số; DN công nghệ số Việt Nam đóng góp 20% tăng trưởng GDP; xếp hạng chỉ số công nghệ và đổi mới của Việt Nam nằm trong top 2 khu vực ASEAN và top 50 trên thế giới. |