Sớm gỡ vướng mắc trong tranh chấp tín dụng để hỗ trợ việc thu hồi nợ, xử lý nợ xấu của các TCTD
Đẩy mạnh công tác tòa án và thi hành án trong xử lý nợ | |
Tăng cường công tác phối hợp nhận diện vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành liên quan, việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm tại các TCTD thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội ra đời, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP nhằm hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu; gần đây nhất, ngày 18/4/2022, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã ban hành Hướng dẫn số 25/HD-VKSTC về một số nội dung kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”… đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả nhằm giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu tại các TCTD.
Tuy nhiên, trên thực tế, các TCTD hội viên phản ánh quá trình giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng tại Tòa án hiện nay, trong đó có Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội và các Tòa án Nhân dân các quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội còn phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng đã nhận được nhiều đơn phản ánh từ các TCTD hội viên đề nghị can thiệp bảo vệ quyền lợi từ các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng.
Qua nghiên cứu và rà soát, Hiệp hội Ngân hàng thấy rằng ngoài nguyên nhân do những hạn chế, bấp cập trong các quy định của pháp luật, sự sai sót của một số cán bộ ngân hàng trong quá trình thẩm định cho vay, thì cũng phát sinh nhiều vướng mắc do quan điểm giải quyết tranh chấp của các cơ quan tố tụng từ khâu thụ lý đến quá trình giải quyết tại Tòa án các cấp còn rất khác nhau và chưa có sự thống nhất, như: xác định người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, xác định địa chỉ của người bị kiện; việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản bảo đảm; việc áp dụng quy định về lãi suất, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án, về giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm theo thủ tục rút gọn, về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, đặc biệt liên quan đến bảo vệ người thứ ba ngay tình - đây là vướng mắc mà các TCTD đề nghị Hiệp hội Ngân hàng hỗ trợ có ý kiến bảo vệ quyền lợi hợp pháp nhiều nhất.
Chia sẻ cụ thể hơn về các vướng mắc của hội viên, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng, ông Nguyễn Thành Long cho biết, vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng nhận được phản ánh của TCTD hội viên liên quan đến việc một số Tòa án khi xét xử đã tuyên ngân hàng phải trả lại Giấy chứng nhận đã được thế chấp hợp pháp và khoản vay đã được thẩm định theo đúng quy định, vì theo quan điểm của thẩm phán khi xét xử cho rằng khi ký Hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản tiền vay, các TCTD không tiến hành thẩm định tài sản thế chấp theo đúng quy định, chính vì vậy, TCTD không xác định được tài sản thế chấp là của ai…, trên cơ sở đó tuyên vô hiệu Hợp đồng thế chấp đồng thời với tuyên vô hiệu Hợp đồng chuyển nhượng…; hoặc Tòa án đã tuyên buộc TCTD có nghĩa vụ hoàn trả số tiền khách hàng đã thanh toán cho TCTD để tất toán khoản vay, vì cho rằng số tiền trên là tiền khách hàng chiếm đoạt từ người khác. Trên thực tế, việc nộp tiền mặt vào tài khoản tiền gửi, tiền vay của khách hàng để thu nợ, các TCTD không có khả năng, điều kiện và trách nhiệm để xác minh, hơn nữa không có quy định của pháp luật yêu cầu TCTD phải kiểm tra nguồn tiền trả nợ của khách hàng.
Theo quan điểm của Tòa thì mọi giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng (tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán) đều cần có ý kiến định đoạt của bên vợ hoặc chồng nên khi có khiếu kiện của vợ hoặc chồng về tài sản, Tòa tuyên Hợp đồng thế chấp hợp pháp của ngân hàng là vô hiệu, mặc dù quy định pháp luật tiền gửi tiết kiệm là khoản tiền của cá nhân, người gửi là người sở hữu, được tự mình thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền gửi tiết kiệm mà không cần có sự đồng ý của người chồng hoặc vợ. Do pháp luật không quy định yêu cầu, nên TCTD cũng không thể biết tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào là tài sản riêng của vợ chồng. Do vậy, việc TCTD giao kết Hợp đồng bảo đảm với khách hàng (vợ hoặc chồng) cùng bên thứ ba vay tín dụng là thuộc trường hợp ngay tình và cần được pháp luật bảo vệ.
Chưa kể, Tòa án nhận định ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng không đúng quy định pháp luật, tuyên hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp vô hiệu, bác bỏ quyền được bảo vệ của người thứ ba ngay tình là ngân hàng khi giấy tờ, tài liệu khách hàng cung cấp cho ngân hàng không đảm bảo tính pháp lý mặc dù theo quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng thì khách hàng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và hợp pháp của các tài liệu gửi cho TCTD. Ngân hàng không biết, không có nghĩa vụ phải chứng minh những giấy tờ, tài liệu mà khách hàng cung cấp là giả, họ cố tình thực hiện một cách tinh vi để qua mặt ngân hàng. Trong trường hợp này ngân hàng phải được xác định là người thứ ba ngay tình.
Trước bất cập trên, ông Long thay mặt hội viên đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao xem xét về việc nâng các nội dung hướng dẫn trong Công văn số 64 để ban hành thành Nghị quyết; có đính chính/hủy bỏ tình huống về xác định “người thứ ba ngay tình” tại Văn bản số 02. Bên cạnh đó áp dụng thống nhất quy định của Bộ Luật dân sự 2015 về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong các tình huống cụ thể như giao dịch chuyển nhượng nhà đất trên cơ sở ủy quyền/đại diện; Mở rộng áp dụng đối với các loại tài sản khác mà giao dịch chuyển nhượng đã tuân thủ quy định về chuyển nhượng đối với loại tài sản đó; Trường hợp bên chuyển nhượng thực hiện giao dịch chuyển nhượng tài sản do bị lừa dối, ép buộc, nhầm lẫn. Ban hành án lệ về việc bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng trong các vụ án hình sự hoặc việc xử lý vi phạm hành chính có liên quan đến tài sản bảo đảm.
Một vướng mắc nữa được các ngân hàng chia sẻ đó là việc tòa án chậm trễ thụ lý vụ án. Theo đại diện một NHTM lớn cho biết, tuy trong hồ sơ khởi kiện của ngân hàng chuẩn bị đầy đủ theo quy định của Luật và hướng dẫn của tòa nhưng tòa vẫn yêu cầu cung cấp giấy tờ mà quy định pháp luật không yêu cầu.
Đơn cử, ngân hàng này nộp đơn khởi kiện một khách hàng từ năm 2018 tại Tòa án quận Thanh Xuân nhưng đến nay chưa được thụ lý. Nguyên do, tòa yêu cầu ngân hàng phải xin xác nhận địa chỉ cư trú mới nhất từ cơ quan có thẩm quyền đối với khách hàng dù khách hàng này vẫn ở địa chỉ hiện tại nhiều năm qua. Chưa kể, khi cán bộ ngân hàng gặp đại diện công an phường thì được trả lời nội dung xác nhận này không thuộc trách nhiệm, quyền hạn của họ và quy định pháp luật không yêu cầu phải nộp xác nhận trên. Do đó, đại diện ngân hàng đề nghị Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội hướng dẫn các Tòa án địa phương hướng dẫn rõ ràng về hồ sơ và các điều kiện tránh tình trạng thụ lý vụ án quá chậm trễ như hiện nay...
Qua các vụ việc liên quan đến hợp đồng tín dụng, ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận do quan điểm chưa thống nhất giữa các Tòa án địa phương nên dẫn đến nhiều vụ việc tòa giải quyết chậm, các vụ án tăng lên... Do đó, các đơn vị liên quan phải ngồi lại bàn thảo đưa ra hướng giải pháp giải quyết triệt để những vướng mắc tồn tại kéo dài trên.
Kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng đề nghị các Hội viên rà soát lại hồ sơ theo đúng quy trình pháp luật. Trường hợp nào thực sự khó khăn vướng mắc chưa phù hợp quy định có nguy cơ xảy ra oan sai, Hiệp hội sẽ tổng hợp các vướng mắc gửi lên Tòa án đồng thời làm việc với các cơ quan có thẩm quyền như để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp các hội viên.
“Những nội dung trao đổi tại buổi Hội thảo hôm nay là những vấn đề thực sự nóng mà các TCTD đang gặp phải, cần sớm được tháo gỡ, giải quyết để hỗ trợ việc thu hồi nợ, xử lý nợ xấu của các TCTD. Đặc biệt là trong bối cảnh nợ xấu, nợ tồn đọng, nợ xấu tiềm ẩn của các TCTD vẫn đang tiếp tục phát sinh và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của Covid-19 và các TCTD đang tích cực áp dụng các biện pháp thu hồi nợ trong đó biện pháp tố tụng vẫn là lựa chọn cơ bản, chủ yếu”, TS. Hùng nhấn mạnh.