Đẩy mạnh công tác tòa án và thi hành án trong xử lý nợ
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc mảng xử lý nợ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, thực trạng các bên vay vốn có nợ xấu cố tình gây ra tranh chấp, lợi dụng những kẽ hở pháp luật về thụ lý án và thi hành án để chây ì, kéo dài và chiếm dụng lợi ích của các ngân hàng đang là một vấn nạn và phổ biến ở hầu hết các ngân hàng. Vì vậy cần có các quy định hạn chế tình trạng nộp đơn và thụ lý đơn khiếu kiện kéo dài để bảo vệ lợi ích cho các ngân hàng và bên thứ ba ngay.
Luật sư Nguyễn Văn Trình, đại diện bộ phận pháp chế của Sacombank cũng cho rằng, việc các bên liên quan đến tài sản đảm bảo nợ vay cố tình thông đồng với nhau để phát sinh đơn kiện, buộc tòa án tạm ngưng xử lý vụ án đã diễn ra nhiều năm. Nhiều vụ việc khi đã có quyết định của tòa án và chuyển sang thi hành án để thu hồi tài sản nợ cho ngân hàng nhưng vẫn phải lật đi lật lại, giải trình nhiều lần vì các bên liên quan cứ vài tháng lại gửi rút đơn và gửi đơn kiện với nội dung tương tự, mục đích chỉ để kéo dài, trục lợi.
Hầu hết các ngân hàng tham dự buổi Tọa đàm đều đề nghị ngành tòa án và thi hành án cần xem xét xử lý rốt ráo tình trạng các bên liên quan đến tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu liên tục tạo ra các vụ tranh chấp giả để cố tình trì hoãn việc thi hành án.
Đại diện các tòa án và cơ quan thi hành án quận, huyện ở TP.HCM thừa nhận, những vướng mắc kể trên diễn ra ở nhiều nơi. Tuy nhiên, ông Quách Hữu Thái, Chánh án Tòa án Nhân dân Quận 1, TP.HCM cho rằng, nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ, bế tắc ở nhiều vụ việc là vì nghiệp vụ thẩm định, định giá tài sản đảm bảo ở một số ngân hàng chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Nhiều vụ án liên quan đến nợ xấu được các tòa án tại TP.HCM thụ lý cho thấy quá trình thẩm định tài sản đảm bảo ở một số ngân hàng không chặt chẽ, không sát sao với thực tiễn hiện trạng tài sản đảm bảo nợ vay.
Điều này dẫn tới tranh chấp, khó xử lý khi tài sản đảm bảo phát sinh thêm các tài sản đi kèm và những người có liên quan đến tài sản đã được dùng để thế chấp. Ngoài ra, hiện nay nhiều ngân hàng thương mại cũng thường chọn đơn vị tòa án ở nơi ngân hàng có trụ sở chính thay vì chọn khởi kiện ở các địa phương nơi mà bên vay nợ có trụ sở, vì vậy việc đi lại, phối hợp, ủy thác hoặc triệu tập đương sự liên quan đều rất khó khăn và mất nhiều thời gian.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, vấn đề xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo tại tòa án và thi hành án đối với các ngân hàng thương mại nhiều năm qua là vấn đề hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản luật, cả Bộ Luật Dân sự và các luật chuyên ngành. Trước mắt, Hiệp hội sẽ ghi nhận toàn bộ những kiến nghị này để tham mưu các vụ, cục của NHNN. Từ đó, nghiên cứu ban hành những văn bản hướng dẫn phù hợp dựa trên kinh nghiệm phối hợp xử lý thực tế ở các vụ việc tiêu biểu giữa cơ quan tòa án và ngân hàng thương mại.