Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán
Thẻ tín dụng, trợ lý tài chính đắc lực Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Cung ứng giải pháp an toàn, hiệu quả nhất cho khách hàng Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển |
Phát biểu tại Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu Dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” do Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng làm chủ nhiệm, bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) cho biết, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt từ lâu đã đóng vai trò quan trọng, giúp luân chuyển hiệu quả các nguồn vốn trong xã hội một cách an toàn, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro. Đặc biệt, vai trò của thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được thể hiện rõ nét hơn trong thời đại CMCN 4.0 hiện nay.
Thực tế, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và công nghệ, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, phương tiện thanh toán mới an toàn, tiện lợi... Những kết quả có thể đong đếm được đó là, hiện có 11,9 triệu tài khoản được mở bằng phương thức e-KYC. Trong đó có 10,8 triệu tài khoản đang hoạt động; thanh toán bằng phương thức QR Code tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt giai đoạn 2020-2023; 90% giao dịch của một số ngân hàng được thực hiện qua kênh số, nhiều dịch vụ của ngân hàng đã số hoá 100%. Bà Hiền cho biết, hiện có 3 nhà mạng được thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money và đã có 2,835 triệu tài khoản được mở, trong đó, hơn 71% số tài khoản và 62% điểm giao dịch được mở ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Lê Văn Tuyên – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 2545 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, về cơ bản đã đạt được các mục tiêu tổng quát đề ra.
Trong bối cảnh mới giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030, nhóm nghiên cứu nhận định, Việt Nam hiện vẫn là một nền kinh tế sử dụng phương thức thanh toán bằng tiền mặt phổ biến trong các giao dịch bán lẻ, tỷ lệ điểm chấp nhận thanh toán (POS), chấp nhận thanh toán QR-Code, thanh toán trực tuyến trên dân số còn thấp. Tuy nhiên, thanh toán không dùng tiền mặt có xu hướng ngày càng tăng với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 43% trong 5 năm qua. Cuộc CMCN 4.0 đang diễn đã tác động sâu rộng, làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, các ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thanh toán.
Với sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của công nghệ thông tin, xu hướng hội nhập toàn cầu của nền kinh tế và nhu cầu của thực tiễn đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải không ngừng được tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt , phát hiện và ngăn ngừa các rủi ro, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, một số quy định về thanh toán quốc tế, mô hình thanh toán mới cần được bổ sung để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Thực tế, trong thời gian qua đã xuất hiện mô hình thanh toán mới của một số ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đề xuất hợp tác với AliPay, Wechatpay, Unionpays, Nonghyup Bank... nhằm phục vụ nhu cầu của du khách quốc tế đến Việt Nam. Do vậy, các quy định về thanh toán quốc tế cần thiết phải được rà soát, sửa đổi, bổ sung để tăng cường công tác quản lý hoạt động thanh toán quốc tế tại Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật trong thanh toán.
Ngoài ra, tại Việt Nam, pháp luật hiện hành, chưa có quy định việc ngân hàng có thể giao đại lý cho ngân hàng khác hoặc tổ chức không phải là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thực hiện một phần công đoạn, quy trình cung ứng dịch vụ thanh toán. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, việc quy định đại lý thanh toán sẽ giúp ngân hàng Việt Nam tăng cường tiếp cận, gia tăng lượng khách hàng mà không cần phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ. Song song với đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, cần thiết phải có hành lang pháp lý để hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển ngân hàng số; đồng thời phải quản lý, giám sát, cấp phép đối với việc thành lập, hoạt động của các hình thái ngân hàng số mới.
Đồng thời, hoàn thành xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện nghị định thay thế các nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt ; xây dựng các thông tư hướng dẫn nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt . Trong đó, quy định cụ thể, làm rõ bản chất của các phương tiện thanh toán (trong đó có tiền điện tử); hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; phạm vi, cách thức quản lý các phương tiện thanh toán, loại hình dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, các chủ thể tham gia. Bên cạnh đó, cần có hành lang pháp lý hoàn thiện hơn về việc kết nối các hệ thống thanh toán quốc tế và thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới; hoạt động đại lý thanh toán; nâng cao vai trò giám sát của NHNN đối với hoạt động thanh toán.
Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc cần phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0; đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt , tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.