Sớm tháo gỡ các điểm nghẽn cho công nghiệp hỗ trợ
Ngân hàng hợp sức phát triển công nghiệp hỗ trợ Công nghiệp hỗ trợ cần được… hỗ trợ Thúc đẩy liên kết giữa công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo |
Còn nhiều khó khăn
Đơn cử, tại Đà Nẵng, công nghiệp hỗ trợ được xác định là 1 trong 3 lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên phát triển góp phần tạo lợi thế cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn vào thành phố. Đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng có 110 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm khoảng 6,3% tổng số doanh nghiệp.
Mặc dù thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy, tuy vậy, nhìn chung ngành công nghiệp hỗ trợ ở địa phương còn nhiều khó khăn để phát triển. Trên thực tế, đa số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Đà Nẵng cũng như trên cả nước đều có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Giá trị tăng thêm (VA) (theo giá so sánh năm 2010) của công nghiệp hỗ trợ thành phố giai đoạn 2011 - 2022 đạt hơn 19.000 tỷ đồng, chiếm 20% VA toàn ngành công nghiệp địa phương.
Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng còn vướng các điểm nghẽn như; quy hoạch phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu về quỹ đất và mặt bằng sản xuất… Theo ông Lê Hoài Đức, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại và Dịch vụ Huỳnh Đức (Đà Nẵng - doanh nghiệp chuyên cơ khí công nghiệp và lắp ráp máy, sản xuất băng tải, băng chuyền và các thiết bị hỗ trợ sản xuất…), nhiều doanh nghiệp cơ khí vẫn đang gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất, cũng như thiếu chuỗi liên kết để phát triển. Bởi vậy vậy, chính quyền địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp để thu hút đầu tư, các doanh nghiệp FDI, cũng như tạo mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp.
Ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam cho biết, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn sơ khai và còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp, đặc biệt là cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn nước ngoài. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chưa phong phú, chất lượng chưa cao. Chưa kể, việc kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo Đặc biệt, hiện chúng ta còn nhiều hạn chế trong hệ thống chính sách và pháp luật phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.
Cần có những “đầu kéo” để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển |
Cần có “đầu kéo”
Nhiều khó khăn là vậy, song Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và giá trị xuất khẩu chiếm 25% giá trị sản xuất công nghiệp… Để đạt được mục tiêu, theo ông Đỗ Hữu Hào, trước hết cần phải hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, cần phát triển và bảo vệ thị trường nội địa; nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước; phát triển công nghiệp hạ nguồn…
Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, cần hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, lấy các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có vốn đầu tư nước ngoài làm “đầu kéo”. Trong xu hướng này, Quảng Nam là một trong những điển hình của cả nước, khi ngành công nghiệp hỗ trợ của địa phương phát triển nhờ vào những “đầu kéo”.
Trong đó, Tập đoàn THACO đang là điểm sáng và có tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp của tỉnh nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Hiện, trên địa bàn Quảng Nam, THACO đã có 7 nhà máy lắp ráp ô tô. Cùng với các nhà máy lắp ráp ô tô, THACO còn đầu tư xây dựng 12 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng trên diện tích 93 ha, với tổng vốn đầu tư là 1.690 tỷ đồng, sản xuất các sản phẩm: Linh kiện nội thất, ngoại thất xe bus, xe tải, xe du lịch; linh kiện composite; kính ô tô; máy lạnh xe tải, bus và xe du lịch; cản xe du lịch; ghế và áo ghế; bộ dây điện; nhíp; linh kiện thân vỏ ô tô và nhiều linh kiện phụ tùng khác cho ô tô… Có thể nói, việc hình thành một trung tâm cơ khí và công nghiệp hỗ trợ với “chim đầu đàn” như THACO, đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ ở Quảng Nam.
Ngoài ra, rất cần phát huy vai trò của chính quyền các địa phương, thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù, phân bổ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, trong đó có công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.