Công nghiệp hỗ trợ cần được… hỗ trợ
Công nghiệp hỗ trợ gặp khó
Ngành công nghiệp, đặc biệt công nghiệp hỗ trợ, đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy vậy, lĩnh vực này vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn và cần sớm được tháo gỡ…
Mới đây, tại Hội thảo Kết nối công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng 2023, ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam cho biết, phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năm 2022, Việt Nam có khoảng 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, 88% trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dù là ngành có nhiều tiềm năng và được chú trọng phát triển, tuy vậy theo ông Hào, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn sơ khai và còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp, đặc biệt là cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp, tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chưa phong phú, chất lượng chưa cao; nguyên phụ liệu trong nước chỉ co cụm ở các doanh nghiệp FDI. Chưa kể đến việc kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn lỏng lẻo …
Đặc biệt, hiện chúng ta còn nhiều hạn chế trong hệ thống chính sách và pháp luật phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam chưa có một luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; các chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp nói chung và các ngành công nghiệp cụ thể nói riêng còn nhiều yếu kém…
Ngành công nghiệp, đặc biệt công nghiệp hỗ trợ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. |
Bên cạnh những khó khăn ở tầm vĩ mô, với cái nhìn của những doanh nghiệp cụ thể, theo ông Lê Hoài Đức, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương maị và Dịch vụ Huỳnh Đức (TP. Đà Nẵng - doanh nghiệp chuyên cơ khí công nghiệp và lắp ráp máy, sản xuất băng tải, băng chuyền và các thiết bị hỗ trợ sản xuất… ) cho biết, nhiều doanh nghiệp cơ khí vẫn đang gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất, cũng như thiếu chuỗi liên kết để phát triển. Bởi vậy vậy, doanh nghiệp đề xuất chính quyền địa phương cần đẩy nhanh tiến độ các khu công nghiệp để thu hút đầu tư, thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cũng như tạo mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp.
Nhiều khó khăn là vậy, song Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và giá trị xuất khẩu chiếm 25% giá trị sản xuất công nghiệp…
Thúc đẩy tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Để đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ phát triển, theo ông Đỗ Hữu Hào, trước hết cần phải hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, cần tập trung rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp với thực tiễn như cơ khí, ô tô, dệt may, da giày, điện tử; nghiên cứu chiến lược hỗ trợ xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp trọng điểm.
Cần tập trung rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp với thực tiễn. |
Bên cạnh đó, bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Ngoài ra, phát triển và bảo vệ thị trường nội địa; nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước; phát triển công nghiệp hạ nguồn….
Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, để rút ngắn thời gian, hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước có cơ hội phát triển, cần hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Lấy các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có vốn đầu tư nước ngoài làm ‘đầu kéo’.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng một trong những giải pháp để để đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ là tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với những doanh nghiệp đa quốc gia, công ty sản xuất, lắp ráp trong và ngoài nước
Đơn cử như đối với ngành điện tử, mới đây Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam đã phối hợp triển khai Dự án hợp tác phát triển Nhà máy thông minh tại Việt Nam giai đoạn 2022-2023. Mục tiêu là đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 doanh nghiệp áp dụng mô hình nhà máy thông minh, nhằm nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước, cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội chuẩn hóa doanh nghiệp theo mô hình nhà máy thông minh, qua đó có cơ hội liên kết phát triển sản xuất, tăng khả năng tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành đối tác của các doanh nghiệp hàng đầu như Samsung Việt Nam trong tương lai gần.
Để rút ngắn thời gian, hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước có cơ hội phát triển, cần hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. |
Ngoài ra, việc thúc đẩy tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, để công nghiệp hỗ trợ phát triển cũng cần phát huy được vai trò của chính quyền các địa phương, thông qua việc xây dựng và thực thi các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù của địa phương, phân bổ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, trong đó có công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.
Được biết, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng để thúc đẩy phát triển công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Bên cạnh đó, bố trí nguồn lực phù hợp để tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng; nâng cao vị trí, vai trò và năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp tại địa phương