Sửa đổi quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC
Chất và lượng tín dụng phải luôn song hành | |
Cần sự phối hợp chặt chẽ của tất cả thành viên thị trường | |
Cùng ngành Ngân hàng quyết liệt xử lý nợ xấu |
Thông tư số 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số nội dung về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC cho phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Nghị định số 61/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết về việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nơ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn và thực tiễn hoạt động của VAMC.
Ảnh minh họa |
Thông tư số 09/2017/TT-NHNN gồm 3 Điều với một số nội dung cơ bản như sau:
Sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ về khoản nợ và khoản nợ xấu để đảm bảo việc đối chiếu, áp dụng, xác định khoản nợ xấu phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 hoặc quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Sửa đổi, bổ sung điều kiện các khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường, trong đó quy định cụ thể điều kiện các khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường đối với: (i) Khoản nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, (ii) Khoản nợ xấu quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Sửa đổi, bổ sung quy định về việc thực hiện mua nợ xấu theo giá trị thị trường, quy định cụ thể các công việc VAMC phải thực hiện trước khi mua các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường, bao gồm cả việc chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường, mua các khoản nợ xấu quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 42/2017/QH14 theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Quy định cụ thể thực hiện việc chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường của VAMC và TCTD bán nợ, gồm việc tất toán trái phiếu đặc biệt; thanh toán số tiền thu hồi nợ, khoản vốn góp, vốn cổ phần liên quan; thanh toán giá mua bán nợ; xử lý tài chính liên quan đến khoản nợ và dự phòng rủi ro đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt đó...
Sửa đổi, bổ sung quy định miễn, giảm tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm của các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, trong đó bổ sung quy định VAMC xem xét, giảm một phần hoặc miễn toàn bộ tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm mà khách hàng vay chưa trả của khoản nợ xấu khi khách hàng vay đã hoàn trả toàn bộ nợ gốc của tất cả các khoản nợ xấu tại VAMC.
Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến nguyên tắc bán nợ xấu đã mua, theo đó việc xác định giá bán khoản nợ, trường hợp bán đấu giá khoản nợ xấu, VAMC thực hiện theo quy định pháp luật về đấu giá tài sản.
Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến bán nợ xấu được mua theo giá trị thị trường, theo đó, VAMC bán khoản nợ xấu theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ khi giá bán khoản nợ không thấp hơn giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu tại VAMC hoặc sau khi đã bán nợ theo phương thức đấu giá hoặc phương thức chào giá cạnh tranh không thành.
Sửa đổi, bổ sung quy định về bán tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt, trong đó, quy định VAMC phải trao đổi với tổ chức tín dụng bán nợ trước khi thỏa thuận xử lý tài sản bảo đảm với bên bảo đảm theo quy định. Sau thời hạn 20 ngày kể từ ngày VAMC có văn bản đề nghị tổ chức tín dụng có ý kiến, VAMC quyết định và chịu trách nhiệm về việc xử lý tài sản bảo đảm với bên bảo đảm theo quy định.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2017.