Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp
Sửa Luật Thuế Giá trị gia tăng: Cẩn trọng với rủi ro giảm sức cạnh tranh Băn khoăn quy định đối tượng chịu thuế VAT Giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% từ 1/7-31/12/2024 |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp |
Về đối tượng không chịu thuế (Điều 5), có ý kiến đề nghị bỏ quy định đối với trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, việc tiếp tục giữ quy định này của Luật hiện hành là không phù hợp nguyên tắc của thuế giá trị gia tănglà chỉ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào trong trường hợp đầu ra là sản phẩm chịu thuế giá trị gia tăng, đồng thời đã làm mất số thu của các địa phương có sản lượng nông nghiệp lớn; chính sách này là cần thiết khi các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giấy tự tạo nhưng không còn phù hợp khi các doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử có nối mạng trực tiếp với cơ quan thuế để theo dõi tình hình thu nộp ngân sách.
Ngoài ra, để phòng tránh gian lận hoá đơn trong hoàn thuế giá trị gia tăng, khoản 9 Điều 15 dự thảo Luật đã bổ sung quy định trường hợp hàng hoá chưa được người bán kê khai nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ sở kinh doanh không được hoàn và Cơ quan soạn thảo khi ban hành các văn bản hướng dẫn, cần bổ sung các tài liệu kèm theo Tờ khai thuế, bao gồm cả bảng kê hoá đơn đầu vào để tạo cơ sở thuận tiện cho công tác quản lý, chống gian lận.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị bỏ quy định này tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật. Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như quy định hiện hành vì cho rằng, quy định này đã phát huy tác dụng trong khắc phục tình trạng gian lận hoàn thuế giai đoạn vừa qua và hiện tại với hệ thống hoá đơn điện tử, cơ quan thuế vẫn khó có thể xác minh việc nộp thuế giá trị gia tăng qua các khâu thương mại.
Về ý kiến đề nghị tiếp tục quy định trong dự thảo Luật, đồng thời điều chỉnh nâng mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, Luật hiện hành đang quy định mức doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng là 100 triệu đồng/năm, nếu tính theo tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ 2013 đến nay thì mức này sẽ tương đương 285 triệu đồng/năm.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật, quy định cụ thể mức doanh thu hàng năm từ 200 (hoặc 300) triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Với phương án này, theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến sẽ giảm thu khoảng 2.630 tỷ đồng (hoặc 6.383 tỷ đồng). Cơ quan soạn thảo đề nghị giao Chính phủ quy định mức doanh thu không chịu thuế này để bảo đảm linh hoạt, chủ động cho Chính phủ.
Về ý kiến đề nghị không chuyển phân bón và các máy móc thiết bị nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang diện áp dụng thuế suất 5%, trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách có 2 luồng quan điểm: Quan điểm thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành vì thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, người chịu thuế giá trị gia tăng là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% thì người nông dân (ngư dân) sẽ chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế giá trị gia tăng, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp, trái tinh thần khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Quan điểm thứ hai thống nhất với nội dung dự thảo Luật và Cơ quan soạn thảo, vì Luật số 71/2014/QH13 đưa phân bón đang từ diện chịu thuế 5% sang diện không chịu thuế giá trị gia tăng đã tạo ra sự bất cập lớn về chính sách, ảnh hưởng bất lợi cho ngành sản xuất phân bón trong nước trong suốt 10 năm qua; các doanh nghiệp đã không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào (bao gồm cả chi phí đầu tư mua sắm tài sản), phải hạch toán vào chi phí, làm tăng chi phí và giá thành sản xuất, giá bán không thể cạnh tranh với phân bón nhập khẩu đang từ chịu thuế chuyển sang được miễn thuế. Sự bất cập về cơ chế cần được đưa trở lại đúng quỹ đạo của thuế giá trị gia tăng.
Việc quay lại áp dụng thuế suất 5% sẽ có các tác động nhất định đến giá bán phân bón trên thị trường, làm tăng giá thành phân bón nhập khẩu (hiện chỉ chiếm 26,7% thị phần); đồng thời, làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước (hiện đang chiếm 73,% thị phần); các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%) và NSNN sẽ không tăng thu do phải bù trừ giữa tăng thu từ khâu nhập khẩu với việc hoàn thuế cho sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp trong nước có dư địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi. Ngoài ra, phân bón hiện là sản phẩm bình ổn giá nên trong trường hợp cần thiết, khi có biến động lớn về giá trên thị trường thì các cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện các biện pháp quản lý cần thiết để bình ổn ở mức hợp lý.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nghiêng về quan điểm thứ nhất. Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo Luật đã trình tại Kỳ họp thứ 7. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách sẽ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung trong dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Tuy nhiên, đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan để tiếp tục rà soát, thống nhất các nội dung trong dự thảo luật… đảm bảo thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng các yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật, đảm bảo chất lượng dự án Luật quy trình Quốc hội.
Ông cũng lưu ý đây là dự án luật rất quan trọng vì tác động liên quan đến nguồn thu ổn định lâu dài của ngân sách nhà nước nhưng đồng thời cũng tác động đến sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, liên quan đến người dân và doanh nghiệp nên cần được nghiên cứu thấu đáo hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận |
Về một số vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật nhưng không tạo ra khoảng trống pháp lý, luật hóa tối đa các nội dung đã được thực tế kiểm nghiệm, giảm thiểu việc giao cho Chính phủ, các bộ quy định. Trường hợp để đảm bảo tính khả thi, linh hoạt trong tổ chức thực hiện cần quy định nguyên tắc trong luật trước khi giao Chính phủ và các bộ. Các luật về thuế và ngân sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Quốc hội có thể ủy quyền cho Thường vụ Quốc hội và những vấn đề giao Chính phủ cần phải làm rõ. Thuế và thu chi ngân sách cần phải đảm bảo tính minh bạch và tính trung lập của thuế nên chúng ta cần phải quán triệt cái nguyên tắc này.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo rà soát điều khoản, các điều khoản thi hành, quy định chuyển tiếp để đảm bảo không bỏ sót, không gây vướng mắc khi luật có hiệu lực. Các chính sách mới phát sinh phải đánh giá tác động đầy đủ theo quy định, đảm bảo hiệu quả, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo về các trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trì giá trị gia tăng đầu vào, mức ngưỡng doanh thu hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, các trường hợp áp dụng và không áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
Việc miễn thuế hay áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, quy định lộ trình tăng thuế suất trong dự thảo luật, phương pháp tính thuế, quản lý thu thuế đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trên cơ sở nền tảng số… cần được tiếp thu và giải trình thấu đáo.