Cần quy định về hoàn thuế để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh
Chủ nhiệm UBKT Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Liên quan đến trách nhiệm của người nộp thuế và cơ quan thuế trong hoàn thuế giá trị gia tăng, nhiều phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã phản ánh hoàn thuế giá trị gia tăng của chúng ta rất chậm. Nếu chúng ta không quy định trách nhiệm kể cả người nộp thuế cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến việc hoàn thuế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Có những doanh nghiệp phản ánh với chúng tôi là các cơ quan thuế hằng năm trời không hoàn thuế cho họ, có doanh nghiệp hàng mấy trăm tỷ đồng và dòng tiền vay ngân hàng, phải trả lãi nhưng thuế cứ ngâm ở đấy và không trả lại. Quy định trách nhiệm người nộp thuế nếu gian lận thế này, thế kia phải xử nghiêm, nhưng đối với cơ quan chúng ta, nếu doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định rồi thì phải sớm hoàn thuế cho họ để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế bày tỏ quan điểm.
Về đối tượng không chịu thuế (Điều 5), có ý kiến đề nghị bỏ quy định đối với trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế thống nhất theo quan điểm phải bỏ quy định này. Bởi vì, theo nguyên tắc đánh thuế giá trị gia tăng chỉ khấu trừ thuế đầu vào đối với những sản phẩm đầu ra thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng. Như ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách nói là có thể còn gây ra việc mất nguồn thu của các địa phương có hoạt động sản xuất nông nghiệp lớn và cũng rất phù hợp với bối cảnh chúng ta đã thực hiện kinh tế số, đã có hóa đơn điện tử, đã có kết nối mạng của các cơ quan quản lý thuế đối với người nộp thuế.
Về ý kiến đề nghị tiếp tục quy định trong dự thảo Luật, đồng thời điều chỉnh nâng mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, quy định hiện hành là 100 triệu đồng không phải nộp thuế giá trị gia tăng nhưng từ năm 2013 đến nay quá trình tăng trưởng kinh tế, điều chỉnh của CPI nếu tính ra đến nay phải 285 triệu đồng trở xuống mới không phải nộp thuế giá trị gia tăng.
Ban soạn thảo đang đưa ra mức 200 triệu đồng và mức 300 triệu đồng và báo cáo tác động ảnh hưởng tới nguồn thu. Cụ thể nếu mức 200 triệu đồng, sẽ giảm thu 2.630 tỷ đồng, còn mức 300 triệu đồng thì giảm thu 6.383 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa thấy Ủy ban Tài chính, Ngân sách có quan điểm chính thức ở mức 200 triệu đồng hay mức 300 triệu đồng và đánh giá tác động đối với nền kinh tế như thế nào.
“Chúng tôi cho rằng, nếu để mức 200 triệu đồng thì thấp quá nhưng 300 triệu đồng lại cao quá, hay chúng ta đưa ra mức 250 triệu đồng. Như vậy cũng ảnh hưởng đến số thu không nhiều, cũng sát với mức 285 triệu đồng nếu tính toán theo cơ sở khoa học. Chúng tôi đề nghị theo hướng ở giữa, 250 triệu đồng trở xuống thì không đánh thuế giá trị gia tăng", ông Thanh cho biết.
Theo ông Thanh, quan điểm của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng nói luật quy định rồi, Hiến pháp quy định rồi, vấn đề này phải do luật định, bây giờ Chính phủ bảo giao cho Chính phủ tôi thấy không hợp lý, nên chăng giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trong quá trình điều hành có sự thay đổi thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức này phù hợp, hài hòa giữa các quan điểm”.