Sức mua yếu, nhiều trung tâm thương mại co hẹp
Mặt bằng trung tâm thương mại bỏ trống hàng loạt Doanh nghiệp bán lẻ, tiêu dùng ứng phó với khó khăn |
Tương tự, một thương hiệu có tên tuổi khác là chuỗi cà phê Nhật Bản Arabica cũng thông báo về việc trả lại mặt bằng tại Diamond Plaza tại khu “đất vàng” đường lê Duẩn, Quận 1 ngay cả khi chưa kịp khai trương….
Không chỉ dừng lại ở hiện tượng một vài chuỗi cửa hàng nhỏ lẻ trong ngành hàng nước ngoài nhanh chóng rời khỏi thị trường Việt Nam sau một thời gian kinh doanh ế ẩm, không ít những thương hiệu đình đám một thời với hàng chục năm dày dặn kinh nghiệm thương trường như Công ty Parkson Retail Asia (Singapore) cũng đã thông báo Chi nhánh Parkson Việt Nam đã bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện từ cuối tháng 4/2023, sau gần 10 năm có mặt ở thị trường Việt Nam. TTTM Parkson Saigontourist Plaza (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) là khu mua sắm cuối cùng của thương hiệu này tại Việt Nam hiện vẫn đang còn mở cửa hoạt động nhưng chỉ lác đác ít khách tham quan, mua sắm ở khu vực gian hàng của 2 thương hiệu thời trang Uniqlo và Muji.
Mới đây nhất, sau khi thương hiệu Miniso trả mặt bằng, dự án Thảo Điền Pearl (Thảo Điền, TP. Thủ Đức) ghi nhận giảm 3.000 m2 diện tích sàn tiêu thụ và chủ đầu tư quyết định chuyển đổi diện tích cho thuê bán lẻ sang cho thuê văn phòng. Không chỉ Thảo Điền Pearl, thị trường cũng ghi nhận một số những dự án với quy mô nhỏ dưới 10.000m tại các khu vực ngoại thành đã phải chuyển đổi công năng từ mặt bằng bán lẻ hiện đại sang văn phòng hoặc co-working space (không gian theo nhu cầu).
Theo quan sát, tìm hiểu của phóng viên Thời báo Ngân hàng, tại nhiều TTTM khu vực trung tâm thành phố, bên cạnh Parkson, một số TTTM là nơi ghé thăm thường xuyên của giới trẻ như một thời như Bitexco, Diamond Plaza, Now Zone… cũng không còn nhộn nhịp như nhiều năm trước đây. Điển hình như TTTM Bitexco, từ mấy tháng nay đã vắng bóng khách thuê lẫn khách mua sắm, nhiều gian hàng đã trả mặt bằng đóng cửa. Còn các gian hàng ở TTTM Diamond Plaza cũng thường xuyên rơi vào cảnh hiu hắt dù các chủ kinh doanh liên tục đưa ra chương trình khuyến mãi, giảm giá nhưng cũng không đủ sức lôi kéo khách.
Theo các chuyên gia bán lẻ, tình trạng cửa hàng kinh doanh tại các TTTM buôn bán ế ẩm, thậm chí là thua lỗ, đóng cửa một mặt do ảnh hưởng bởi khó khăn chung của tình hình kinh tế thị trường, sức cầu sụt giảm, người dân thắt chặt chi tiêu; mặt khác là biểu hiện của quá trình đào thải tự nhiên. Một số mô hình TTTM cũ không còn phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, nên lâu dần sẽ mất sức hút, khó tồn tại. Đơn cử, TTTM Bitexco không còn được quan tâm nhiều vì mô hình đã cũ, diện tích nhỏ, không xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu rõ ràng. Còn Parkson chỉ vận hành một trung tâm mua sắm, tập trung các thương hiệu thời trang, làm đẹp, ngoài ra không có bất kỳ tiện ích nào khác. Cũng những thương hiệu này, khách hàng dễ dàng tìm thấy ở các TTTM kiểu mới, ở đó có cả dịch vụ ăn uống, giải trí với khu trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, siêu thị tổng hợp để cả gia đình có thể vừa mua sắm vừa trải nghiệm vui chơi, giải trí, ăn uống…
Báo cáo nghiên cứu Savills Việt Nam ghi nhận, trong quý II/2023, mặt bằng bán lẻ tại TP.Hồ Chí Minh có lượng tiêu thụ giảm 7.000m2, thấp nhất kể từ quý IV/2022. Một trong những xu hướng đáng chú ý là khách thuê tiếp tục bỏ trống và không gia hạn thêm hợp đồng tại các dự án ở ngoài trung tâm. Trong đó, ngành hàng ăn uống chiếm 30% diện tích bị bỏ trống, ngành hàng thời trang chiếm 21%, ngành vui chơi giải trí chiếm 20% và ngành giáo dục chiếm 6%... Theo phân tích của Savills, nguyên nhân chính của vấn đề này đến từ lượng khách thấp tại những mặt bằng có vị trí thuê không tốt, cùng với đó là công tác marketing và quản lý không hiệu quả từ chủ đầu tư.
Bà Giang Huỳnh, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu & S22M, Savills TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện những dự án có quy mô nhỏ thường vất vả trong việc thu hút và duy trì được lượng khách thuê. Đa số các dự án này nằm trong các khu vực dân cư mới xa trung tâm với mô hình kinh doanh gói gọn trong một số dịch vụ như F&B, cửa hàng tiện lợi, chăm sóc tóc… Những khách thuê thường không có khả năng chi trả giá thuê cao. Do đó, những mô hình này đa số không hiệu quả. Chính vì vậy, chủ đầu tư có xu hướng chuyển đổi công năng của các dự án này sang những loại hình hiệu quả hơn về mặt thương mại”.
“Vấn đề lớn nhất của thị trường mặt bằng bán lẻ, TTTM Việt Nam trong mắt các khách thuê nước ngoài là các mặt bằng chất lượng. Để thay thế những mô hình bán lẻ cũ, những mô hình bán lẻ mới cần nâng cao khả năng thu hút được những khách thuê tiềm năng cũng như là những khách thuê có năng lực tài chính tốt, cung cấp những trải nghiệm mua sắm thú vị để thu hút người tiêu dùng. Ngoài ra, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ là động lực thúc đẩy sức mua tăng cao và sự quay trở lại thị trường của những thương hiệu F&B, thời trang, bán lẻ, tiêu dùng… trong và ngoài nước, góp phần lấp đầy các mặt bằng TTTM trong thời gain tới ” - chuyên gia Savills phân tích.