Doanh nghiệp bán lẻ, tiêu dùng ứng phó với khó khăn
Kích cầu tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ tung nhiều khuyến mại hấp dẫn Doanh nghiệp bán lẻ tăng tốc cuối năm Doanh nghiệp bán lẻ và cuộc đua giành thị phần |
Theo báo cáo CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) ước tính doanh thu 4 tháng đầu năm 2023 ghi nhận 36.847 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ, hoàn thành 27% so với kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu chuỗi Thế giới Di động đóng góp 24% tổng doanh thu, doanh thu chuỗi Điện Máy Xanh đóng góp 50,1% tổng doanh thu; doanh thu chuỗi Bách hóa Xanh đóng góp 23,5% tổng doanh thu và hoạt động khác đóng góp 2,4% tổng doanh thu. Riêng đối với chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh, trong 4 tháng đầu năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu đạt khoảng 27,5 nghìn tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ, giảm 20 cửa hàng Bách hóa Xanh…
Không riêng gì Thế giới di động, từ đầu năm đến nay nhiều doanh nghiệp ngành hàng bán lẻ, tiêu dùng cũng có sự sụt giảm rõ rệt. Đơn cử như doanh thu thuần của ông lớn ngành bia Sabeco giảm 15% so với cùng kỳ, đạt hơn 6.200 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này còn hơn 1.900 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 12%.
Các ngành hàng, sản phẩm tiêu dùng sụt giảm mạnh phần nào phản ánh bức tranh tiêu dùng ảm đạm với những chuỗi trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, bách hóa thưa thớt, vắng khách khi người dân “thắt chặt chi tiêu”. Số liệu thống kê từ Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, gần như không có nhà bán lẻ nào tăng trưởng dương, dự báo mức tăng trưởng ngành này trong năm 2023 chỉ đạt khoảng 17,5%.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chịu ảnh hưởng từ việc nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang đi vào giai đoạn suy thoái. Bản thân các doanh nghiệp trong nước trước đây phát triển mạnh ở thị trường nước ngoài, nay gặp khó khăn cũng quay lại phát triển thị trường trong nước, tạo ra sự cạnh tranh lớn với các doanh nghiệp nội địa. Chính vì vậy, để kích thích người dân tiêu dùng, doanh nghiệp thường xuyên đưa ra nhiều chính sách giảm giá, khuyến mãi. Bên cạnh để hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành bán lẻ phát triển, Chính phủ cần nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp kịp thời liên quan đến chính sách vĩ mô, chính sách thuế phí. Cụ thể như cần hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng, giảm thuế giá trị gia tăng 2% triển khai càng sớm và lâu dài để kích cầu, qua đó giúp doanh nghiệp có thêm nguồn động lực.
Trong báo cáo về thói quen tiêu dùng toàn cầu, PwC đã cho thấ́y 62% người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết và sẽ chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng xa xỉ. Tương tự, theo dữ liệu từ nền tảng của Payoo, trong nửa đầu năm 2023, đa phần các cửa hàng thuộc nhóm điện thoại, điện máy đều giảm 30-50% doanh thu so với quý trước, đây là mức giảm sâu nhất trong giai đoạn 2011-2023 (chỉ cao hơn tốc độ của quý I/2020).
Ông Johnathan Ooi, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Thương vụ, PwC Việt Nam nhận định, thói quen chi tiêu của người tiêu dùng đang dần thay đổi. Người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu, kết hợp mua sắm trực tiếp và trực tuyến, cũng như ưu tiên sử dụng sản phẩm từ các nhà cung cấp có uy tín. Các doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ các xu hướng này và kịp thời thích ứng để có thể duy trì tính cạnh tranh trong một thị trường không ngừng thay đổi
Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động, doanh nghiệp nên chú trọng đến yếu tố quản lý dữ liệu. 79% doanh nghiệp đồng ý rằng không nắm bắt được dữ liệu lớn có thể mất lợi thế cạnh tranh và thậm chí dẫn đến phá sản, Vì thế, việc thu thập, phân tích dữ liệu người dùng là rất quan trọng. Qua nghiên cứu về nhu cầu và các hành vi thói quen mua sắm, doanh nghiệp có thể hiểu khách hàng và biết cách tiếp cận khách hàng hợp lý hơn, để có thể mở rộng “khách hàng” sang “người tiêu dùng”. Công nghệ cũng giúp các doanh nghiệp dự báo được kết quả và những tác động liên quan để đưa ra quyết định chuẩn xác hơn. Mặt khác, muốn tạo trải nghiệm tốt cho khách hàng, các doanh nghiệp cần đổi mới và tổ chức nhiều khóa đào tạo kỹ năng.
“Rõ ràng, công nghệ góp phần tạo ra các thay đổi để giúp doanh nghiệp trụ vững trong bối cảnh khó khăn. ừ quản trị hệ thống dữ liệu, các doanh nghiệp có thể đón đầu các xu hướng, dự trù chi phí từ các mô hình kinh doanh mới (cá nhân hóa tiêu dùng), quản lý hàng tồn kho, tăng khả năng phục hồi. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều quốc gia và người tiêu dùng các nước đang quan tâm hơn đến yếu tố xanh và tiêu chuẩn ESG. Vì vậy, doanh nghiệp cần tập trung phát triển danh mục sản phẩm và các tính năng phù hợp, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài” - chuyên gia PwC khuyến cáo.