Tăng cường công tác phòng, chống rửa tiền
Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền Phòng, chống rửa tiền trong hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã |
Nhận diện, đánh giá rủi ro rửa tiền
Chia sẻ tại Hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 3/2023. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và NHNN đã ban hành Thông tư 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
Thông tin cụ thể hơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền Nguyễn Thị Minh Thơ cho biết, đánh giá rủi ro rửa tiền là một trong những điểm trọng yếu tại Thông tư 09. Theo đại diện Cục Phòng, chống rửa tiền, đánh giá rủi ro là vấn đề không mới bởi quy định về vấn đề này đã được đưa vào Thông tư 20/2019/TT-NHNN và được các ngân hàng triển khai. Theo đó, các tổ chức trung gian thanh toán, ngân hàng, công ty tài chính - những đối tượng chủ chốt thuộc quản lý của NHNN, đã tiến hành đánh giá rủi ro về rửa tiền tại tổ chức. Tuy nhiên, Thông tư 20 chưa đưa ra những thang điểm hay yêu cầu, hướng dẫn cụ thể. Do đó, Thông tư 09 được ban hành trong bối cảnh đặt ra những yêu cầu bắt buộc, cụ thể hóa trong quá trình thanh tra, giám sát, quản lý và hướng dẫn các đối tượng báo cáo. Đặc biệt là những đối tượng báo cáo mới tiếp cận công tác phòng, chống rửa tiền hoặc những đối tượng thuộc lĩnh vực, ngành, nghề chưa có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các quy định, chuẩn mực quốc tế.
Theo chia sẻ của đại diện Cục Phòng, chống rửa tiền, có 10 nhóm vấn đề trọng tâm tại Thông tư 09, trong đó tiêu chí đánh giá rủi ro về rửa tiền; tiêu chí nguy cơ rửa tiền; tiêu chí mức độ phù hợp của chính sách; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền tại đối tượng báo cáo là 3 tiêu chí cấp 1 để tiến hành rủi ro tại tổ chức. Còn phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo là phương pháp chấm điểm. Thông tư 09 cũng quy định rõ về quy trình quản lý rủi ro và phân loại khách hàng trên cơ sở rủi ro; đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền…
Trao đổi tại phiên thảo luận, đại diện MB bày tỏ mong muốn làm rõ các khái niệm về phạm vi nhóm khách hàng, báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử, báo cáo chuyển tiền nội bộ trong hệ thống và quy định về triển khai kỹ thuật; đồng thời cơ quan quản lý sớm có những hướng dẫn để ngân hàng có thể xây dựng cơ chế chuẩn chỉnh. Đồng quan điểm, đại diện MSB bổ sung thêm, quy định về nhận biết khách hàng tại khoản c, Điều 6 của Nghị định 19 đang ở phạm vi quá rộng, đặc biệt đối với các giao dịch phức tạp như giao dịch quốc tế. Do đó, ngân hàng này đề nghị làm rõ hơn khái niệm giao dịch của các bên liên quan, đồng thời chia sẻ biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc khi các TCTD và đối tượng báo cáo thực hiện giao dịch này.
Về khó khăn liên quan đến nhận biết khách hàng Điều 6.1.b Nghị định 19 quy định các tổ chức tài chính sẽ phải nhận biết khách hàng khi khách hàng không có tài khoản hoặc có tài khoản nhưng không giao dịch trong thời gian 6 tháng liên tục và thực hiện một giao dịch nộp, rút/chuyển khoản có tổng giá trị vượt trên ngưỡng báo cáo (trên 400 triệu đồng). Đại diện Nhóm Công tác ngân hàng nước ngoài cho rằng, khái niệm “khách hàng không có tài khoản” sẽ bị giới hạn và được hiểu là khách vãng lai (walk in client) - chưa bao giờ thiết lập mối quan hệ hoặc chưa bao giờ được ngân hàng làm thủ tục nhận biết khách hàng (KYC). Vì vậy, khi đối tượng khách hàng này đến làm việc với ngân hàng với giá trị giao dịch lớn hơn 400 triệu đồng thì ngân hàng sẽ phải làm KYC trước khi thực hiện giao dịch cho khách hàng. “Nếu không làm rõ khái niệm này, toàn bộ hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức, bởi Nghị định này không phân biệt đối tượng giao dịch giữa ngân hàng với ngân hàng hay giao dịch giữa ngân hàng và các khách hàng thông thường”, đại diện Nhóm Công tác ngân hàng nước ngoài tỏ ra băn khoăn.
Đối với khái niệm “khách hàng không có tài khoản”, đại diện MSB kiến nghị: nên được hiểu là khách vãng lai theo đúng các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính về phòng, chống rửa tiền (FATF) để tránh ảnh hưởng đối với các hoạt động liên ngân hàng. Bên cạnh đó, MSB cũng kiến nghị, khái niệm “khách hàng có tài khoản nhưng không giao dịch” tức là bất cứ mối quan hệ giao dịch nào giữa ngân hàng và khách hàng, không nhất thiết là các giao dịch thông qua tài khoản.
Đánh giá rủi ro rửa tiền là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng |
Nguy cơ rửa tiền thông qua tiền mã hoá
Ngoài những vấn đề cần lưu ý trên, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cảnh báo, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, bên cạnh những thành tựu đạt được chúng ta phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo, nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ.
Đặc biệt, Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách xám các nước cần tăng cường chống rửa tiền (AML). Đây là danh sách các nước cần được giám sát chặt chẽ của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF) gồm 20 quốc gia. FATF cho biết, sẽ hoạt động để đảm bảo tính độc lập của các cơ quan chịu trách nhiệm điều tra tội phạm tài chính, quản lý tài sản số và tăng cường hợp tác quốc tế chống rửa tiền. Vì vậy, có thể nói rằng phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực tiền mã hóa là một trong những nhiệm vụ cấp bách đối với các cơ quan quản lý tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Để tăng cường hiệu quả của các hoạt động phòng, chống rửa tiền thông qua tiền mã hóa nói riêng và tài sản số nói chung, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam khuyến nghị, các định chế tài chính cần thực hiện 3 nhiệm vụ: Thứ nhất, cần nhận diện và học hỏi cách phân loại tài sản này theo các quy tắc của BIS, Basel và chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS… Thứ hai, nên xây dựng các quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản mã hoá đối với các tài khoản cá nhân. Thứ ba, phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và pháp luật.