Tăng cường liên kết để chủ động nguyên phụ liệu
“Nút thắt cổ chai” của FTAs với ngành dệt may Việt Nam | |
Ngành dệt may gặp muôn trùng khó khăn do dịch Covid |
Các công ty dệt may cần chủ động nguồn nguyên liệu được sản xuất trong nước |
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công thương, năm 2019, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục xuất siêu ấn tượng với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 39 tỷ USD, song cũng phải chi cho nhập khẩu vải nguyên liệu là 13,5 tỷ USD (Việt Nam đang nhập khẩu tới 70% vải nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu). Riêng 6 tháng đầu năm 2020, do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 15 tỷ USD, giảm gần 17%, nhập khẩu 9,3 tỷ USD (giảm 16%) so với cùng kỳ năm trước.
Hiện cả nước có hơn 6.000 doanh nghiệp dệt may, và nguồn cung nguyên liệu vải trong nước chỉ đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu sản xuất. Điều này chứng tỏ chúng ta chưa làm chủ được cuộc chơi, từ nguyên liệu đến thị trường. Khi chuỗi liên kết còn lỏng lẻo, thiếu sự chia sẻ và hợp tác của các doanh nghiệp trong nước, trong khi dệt may vốn là ngành tận dụng nhân công... thì tức là giá trị gia tăng không đạt như kỳ vọng, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Thực trạng trên đã cho thấy rõ hơn điểm yếu lớn nhất của ngành dệt may hiện nay là chưa xây dựng được chuỗi liên kết. Vấn đề lại càng trở nên cấp thiết khi đặt trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được Quốc hội phê chuẩn và sẽ có hiệu lực từ mùng 1/8 tới.
Theo đó, mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm 42,5% dòng thuế khi xuất khẩu vào thị trường EU. Thuận lợi là thế, nhưng cũng đang đặt ngành dệt may trước nhiều trọng trách nặng nề hơn. Bối cảnh đó buộc Việt Nam phải định hình lại ngành công nghiệp dệt may, tạo liên kết chuỗi giá trị.
Xu hướng của các nhà mua hàng lớn tại Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu là chọn những doanh nghiệp có khả năng sản xuất trọn gói thay vì đặt hàng theo phương thức gia công để rút ngắn thời gian cho ra sản phẩm mới. Rút ngắn được thời gian thực hiện đơn hàng, đồng nghĩa với doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn về chi phí và tăng doanh thu.
Để làm được điều này, ngành dệt may Việt Nam cần di chuyển lên “thượng nguồn” trong chuỗi giá trị dệt may, nắm giữ các khâu trong phân khúc sản xuất nguyên phụ liệu, đây là chiến lược dài hạn để duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam. Mặt khác, thách thức lớn đặt ra với với toàn ngành không chỉ là vấn đề tăng trưởng, quan trọng nhất là phải tạo ra nhiều việc làm để giữ chân người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Với quy mô nhập khẩu hàng dệt may hàng năm hơn 250 tỷ USD, EU hiện là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của thế giới. Trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào thị trường này mới chỉ chừng 2,7%. Dư địa để ngành dệt may gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU sau khi EVFTA có hiệu lực được các doanh nghiệp đánh giá là rất tiềm năng. Dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may vào EU sẽ tăng nhanh, đạt khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có hiệp định.
Việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng dệt may sang châu Âu có ý nghĩa vô cùng to lớn, chẳng những giúp Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào một thị trường, mà điểm nhấn quan trọng là với thuế suất về 0%, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, ông Vũ Đức Giang nhìn nhận.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa và khai thác tối đa những ưu đãi mà EVFTA mang lại thì cả cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp phải cùng vào cuộc giải quyết nút thắt nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu mà hiện nay chủ yếu được nhập từ Trung Quốc hoặc các nước trong khối ASEAN.
Các chuyên gia cũng đồng tình rằng, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Trong đó đề cao cơ chế thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, thúc đẩy cơ chế xây dựng các khu công nghiệp dệt may có xử lý nước thải hiện đại tạo thành chu trình dệt-nhuộm-may-hoàn tất, giảm dần sự phụ thuộc nhập khẩu.
Hiện Bộ Công thương cũng khuyến khích các doanh nghiệp chuyển may gia công sang thực hiện các đơn hàng FOB, nâng cao ý thức về sử dụng nguyên liệu trong nước; đánh giá cao vai trò hiệp hội ngành hàng trong việc mời gọi đầu tư, kết nối với các địa phương vẫn đang đón nhận các dự án đầu tư dệt nhuộm để giới thiệu và thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài.