Tăng cường phát triển bền vững ngành thủy sản
Thủy sản nhộn nhịp đầu tư mới | |
Doanh nghiệp thủy sản lạc quan vào cuối năm |
Lồng bè nuôi trồng thủy sản biển cần được nâng cấp |
Cụ thể, về đầu tư cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2016 - 2020, cả nước đã thực hiện đầu tư hoàn thành đối với 148 dự án. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai 30 dự án và UBND các tỉnh, thành phố 118 dự án. Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân hàng năm đạt 6% (đạt theo kế hoạch).
Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 3,77 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 4,38 triệu tấn. Dự kiến năm 2020 đạt 8,2 triệu tấn, vượt mức chỉ tiêu của chương trình đề ra. Giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2019 đạt 8,6 tỷ USD, kế hoạch năm 2020 là 10 tỷ USD, vượt chỉ tiêu đề ra.
Cùng với đó, chúng ta cũng đã chủ động sản xuất giống sạch bệnh trong nước đối với các đối tượng chủ lực như tôm giống tôm sú, tôm chân trắng, cá tra; Hình thành các vùng nuôi tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận tương đương GlobalGAP, ASC.BAP. Công suất cảng cá tăng thêm khoảng 352 nghìn tấn hàng qua cảng/năm, công suất neo đậu tăng thêm 24.900 tàu (vượt chỉ tiêu chương trình).
Thời gian qua, ngành thủy sản Việt Nam phát triển nhanh, luôn thuộc nhóm các nước đứng đầu thế giới về giá trị xuất khẩu và đóng góp đáng kể cho quá trình phát triển kinh tế đất nước. Theo đó, năm 2019 thủy sản Việt Nam chiếm 6,2% tổng sản lượng thủy sản châu Á, 4,4% tổng sản lượng và 5,5% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn cầu. Về giá trị kim ngạch xuất khẩu, thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 3,9 triệu lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành thủy sản cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, như vùng neo đậu, luồng lạch bồi lắng không đảm bảo an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm; Thiếu hệ thống xử lý môi trường, hạ tầng không đồng bộ; Công nghệ bốc dỡ, vận chuyển, bảo quản, chế biến sản phẩm khai thác tại các cảng lạc hậu, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao.
Cùng đó, với chiều dài bờ biển 3.260 km và rộng 1 triệu km2, Việt Nam có đến 500 nghìn km2 nuôi trồng thủy, hải sản biển, có lợi thế rất lớn. Song, việc nuôi trồng hiện nay chỉ ở giai đoạn phôi thai, nuôi gần bờ là chính, hình thức rất sơ sài, đơn giản; Công tác nghiên cứu sản xuất con giống cũng chưa theo quy trình công nghệ cao; Đa số các cơ sở nuôi trồng còn lại vẫn dùng thức ăn tươi, tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường. Để khắc phục những điểm yếu đó, một đề án nuôi trồng đã được đề xuất trong chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo dự thảo Chiến lược này do Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) xây dựng, mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thủy sản đóng góp 28 - 30% GDP trong cơ cấu ngành nông nghiệp; Tổng sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản khoảng 25-30%, sản lượng nuôi trồng thủy sản 70-75%; Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 18-20 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tại chỗ, thông qua du lịch và khách quốc tế khoảng 1,3 tỷ USD. Đồng thời giải quyết việc làm cho 3,5 triệu lao động; thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tiệm cận mức thu nhập bình quân chung của lao động cả nước; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy chuẩn bảo vệ môi trường...
Mục tiêu là đến năm 2045, thủy sản phải là ngành sản xuất hàng hóa lớn có trình độ quản lý, khoa học công nghệ hiện đại, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của các định chế quốc tế, phát triển có trách nhiệm và bền vững; Việt Nam là trung tâm chế biến thủy sản chất lượng cao của khu vực ASEAN và châu Á, thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới…
Để hoàn thiện dự thảo chiến lược, đảm bảo tính thời sự, gắn với thực tế, đưa ngành thủy sản phát triển bền vững trong giai đoạn mới, Bộ NN&PTNT mong tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.