Tăng lực cho hàng Việt trong bối cảnh mới
Phòng vệ thương mại: "Van an toàn" cho hàng Việt | |
Hàng Việt gặp khó ở siêu thị | |
Định hướng tăng trưởng bền vững |
Theo Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), kết quả điều tra dư luận xã hội trong nước, có đến 67% người dân Việt Nam được hỏi cho rằng, họ ưu tiên dùng hàng Việt Nam, 52% khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam, 36% cho rằng trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc từ nước ngoài đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay vào đó là hàng Việt Nam. Nhiều ngành như dệt may, chế biến thực phẩm, nông thủy sản… đã tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, giúp doanh nghiệp không chỉ tăng xuất khẩu mà còn giữ vị trí quan trọng ở thị trường nội địa.
Người tiêu dùng qua khảo sát đều khẳng định, nếu như cách đây 5 năm, họ thích dùng sản phẩm Thái Lan, Nhật Bản, hàng xách tay từ Pháp, Hoa Kỳ… thì nay đã chuyển hướng dùng hàng sản xuất trong nước của doanh nghiệp Việt. Tuy một số nhóm hàng Việt Nam (mỹ phẩm, thời trang…) vẫn chưa bằng hàng ngoại nhập cùng loại, nhưng chất lượng, mẫu mã sản phẩm hàng Việt đã được cải thiện, tốt hơn nhiều so với trước đây. Đặc biệt là giá cả phù hợp.
Hàng Việt vẫn phải chuẩn bị tốt nhất để cạnh tranh với hàng nhập khẩu |
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) hiện hàng Việt Nam có độ phủ lớn tại hệ thống phân phối nội địa, được người tiêu dùng trong nước tin tưởng. Lợi thế của hàng Việt ngoài chất lượng nâng cao, còn có doanh nghiệp đã khai thác tốt yếu tố văn hóa dân tộc, đặc sản vùng, miền để tiếp cận người tiêu dùng trong nước và quốc tế thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, hội nghị đặc sản vùng, miền, sản phẩm thuộc Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… Tuy vậy, hàng Việt vẫn phải chuẩn bị tốt nhất để cạnh tranh với hàng nhập khẩu, sau khi dịch Covid-19 qua đi. Trong hiện tại dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa thể đánh giá tổng thể và toàn diện tác động của việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).
Nhưng giai đoạn hậu Covid-19 sẽ xuất hiện không ít hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm thiết yếu chất lượng cao từ EU sẽ gia tăng tại thị trường Việt Nam. Nếu so sánh thực lực đến thời điểm này, hàng hóa Việt Nam chưa thể cạnh tranh ngang tầm chất lượng với hàng hóa cùng loại từ nước ngoài. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới. Nguyên do, hàng Việt phần lớn sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hạn chế, chất lượng không đồng đều, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả có những mặt hàng còn cao hơn so với các nước. Hàng Việt cũng ít được cải tiến mẫu mã, bao bì, hình thức chưa bắt mắt…
Khâu trung gian và lưu thông phân phối còn chiếm tỷ trọng cao, dẫn đến giá thành chưa chiếm lợi thế. Muốn tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt, thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, xây dựng hệ thống phân phối chặt chẽ và rộng khắp. Đặc biệt là tận dụng tối đa thị trường nông thôn, nơi mà hàng hóa nhập khẩu chưa có điều kiện tiếp cận. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước chủ động hợp tác, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá bán ổn định, giữ vững thị phần.