Định hướng tăng trưởng bền vững
Theo Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng đáng kể, từ 176,58 tỷ USD (năm 2016) lên 264,27 tỷ USD (năm 2019). Trung bình tăng trưởng xuất khẩu tăng 13,1%/năm, cao hơn mục tiêu 10% đề ra.
Theo đó, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã đảm bảo đúng mục tiêu đề ra tại Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng giảm hàm lượng xuất khẩu thô (tỷ trọng xuất khẩu của nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 11,6% năm 2011 xuống 3% vào năm 2015 và chỉ còn 1,7% năm 2019), tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo (từ 63,46% vào năm 2011 lên 78,9% vào năm 2015 và 88,33% vào năm 2019).
Ảnh minh họa |
Đóng góp của thị trường trong nước vào GDP tăng liên tục, từ 10,5% năm 2016 lên 11,16% năm 2019 không chỉ hỗ trợ tích cực cho công tác giải quyết việc làm khi thu hút khoảng 6 - 7 triệu lao động (chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội), góp phần xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Mà đặc biệt hơn thị trường trong nước đã và đang trở thành động lực quan trọng góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Đặc biệt, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020 đã tạo cơ sở huy động cũng như sử dụng có hiệu quả nguồn lực của xã hội, phát triển thương mại, xây dựng mô hình thí điểm các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng nhằm tạo lập và phát triển thị trường trong nước bền vững.
Việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, đồng thời lồng ghép vào Chương trình hành động của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị hưởng ứng cuộc vận động vừa nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, vừa giúp hệ thống phân phối hàng hóa phát triển rộng khắp trên cả nước.
Tính đến nay, hàng Việt vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước (trên 90%), tại các hệ thống siêu thị nước ngoài (từ 60% đến 96%). Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên, trong đó có các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, đạt trên 80% mục tiêu của Đề án.
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, thị trường nội địa được giữ vững, trong đó ngành bán lẻ vẫn ổn định và tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp là trụ cột nền kinh tế. Bằng chứng là, tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân ngay cả trong tình trạng khẩn cấp.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện đề án nói trên khẳng định, 6 năm triển khai, đề án đã hỗ trợ nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ Việt Nam thông qua các chương trình truyền thông thường xuyên, liên tục; hỗ trợ hệ thống phân phối hàng Việt Nam phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, càng chứng minh vai trò quan trọng của hàng Việt Nam, là trụ cột quan trọng của thị trường nội địa; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội.
Đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, các đơn hàng bị ngừng trệ thì thị trường nội địa với quy mô gần 100 triệu dân Việt Nam chính là không gian đủ lớn cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn thách thức. Điều này càng minh chứng rằng, phát triển thị trường trong nước bền vững sẽ là trụ đỡ vững chắc cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần khắc phục một số tồn tại, hạn chế như: quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp còn chậm, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển chưa đạt mục tiêu đề ra; chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu theo hướng tăng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ cao và công nghệ nguồn còn chậm; xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững; việc củng cố và kiện toàn hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là một số mặt hàng thiết yếu còn chưa đạt yêu cầu…
Trên cơ sở đó, trong báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, Bộ Công thương đã đặt ra nhiều mục tiêu phát triển mới, trong đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đạt bình quân từ 5%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 340 tỷ USD vào năm 2025; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước tăng 5%.
Quan trọng nhất là, phấn đấu đạt trên 45% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thương mại điện tử. Phát triển đa dạng các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại như hình thành Sở giao dịch hàng hoá, trung tâm đấu giá, nhượng quyền thương mại…
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, nhiều giải pháp đã được đưa ra như đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ…