Tăng tính hấp dẫn đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Người dân chưa “mặn mà”… Sẽ giới hạn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 1 lần |
Theo thống kê mới nhất từ BHXH Việt Nam, đến cuối năm 2023, cả nước ghi nhận hơn 18,26 triệu người tham gia BHXH, đạt 39,25%, trong đó có hơn 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Con số này là rất thấp nếu đem so sánh với số lao động tự do là 33,1 triệu người, theo Tổng cục Thống kê. Đây chính là bài toán đặt ra cho các cơ quan chức năng trong việc thu hút người dân đến với BHXH tự nguyện, đảm bảo hệ thống an sinh xã hội của quốc gia.
Cần sự điều chỉnh về chính sách để “hút” lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện |
Khi đặt câu hỏi tại sao người lao động không “thiết tha” đối với loại hình bảo hiểm này, đa số lao động tự do đều đưa ra nguyên nhân là thời gian đóng BHXH kéo dài. Sau khi đóng đủ năm, phải chờ đến đủ tuổi, người lao động mới nhận được khoản tiền mà mình đã đóng, ở đây chính là lương hưu. Theo nhiều chuyên gia, tham gia BHXH tự nguyện thì người dân phải có nguồn tài chính vừa đủ đảm bảo nhu cầu sống vừa phải dư một khoản để đóng BHXH. Bên cạnh đó, trong nhiều năm nay, công tác tuyên truyền, vận động chưa đủ tới, khiến nhiều người lao động tự do không nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia BHXH tự nguyện.
Chia sẻ với phóng viên, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, nhiều sản phẩm từ phía BHXH đưa ra là chưa thực sự hấp dẫn. BHXH hiện tại cũng bao quát đến những đối tượng vùng sâu, vùng xa cũng như tính đến điều kiện, hoàn cảnh sống thực tế của người lao động. Tuy nhiên BHXH tự nguyện chưa thực sự phủ rộng cũng bắt nguồn từ thực tế người lao động hiện tại chưa có thói quen quản lý tài chính, tích trữ một khoản đầu tư cho tương lai, tâm lý “làm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu” vẫn còn tồn tại trong tiềm thức của không ít người.
Để BHXH tự nguyện hấp dẫn hơn, phủ sóng được nhiều đối tượng cần và không lọt lưới an sinh xã hội, rõ ràng cơ quan quản lý cần đưa ra nhiều giải pháp, bắt đầu từ việc sửa đổi, cải thiện các quy định hiện hành. Luật BHXH 2014 được triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay được đánh giá là đạt được những thành công rõ rệt so với Luật BHXH năm 2006.
Tuy nhiên, nội dung quy định lại có những hạn chế về chế độ BHXH bắt buộc và chế độ BHXH tự nguyện, hai chế độ trên có những chênh lệch gây nên những tâm lý không tích cực, phân biệt. Cụ thể, mới đây trong góp ý về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá rằng, người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ, gồm: Hưu trí, tử tuất, ốm đau thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và thất nghiệp. Trong khi lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Theo tổ chức công đoàn, sự khác biệt này không công bằng, thiếu hấp dẫn, nên đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung 3 chế độ còn lại cho người tham gia BHXH tự nguyện. Chính phủ cũng đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện, với mức trợ cấp khi sinh con là 2.000.000 đồng/con, do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Để BHXH hấp dẫn hơn với người lao động, TS. Nguyễn Minh Phong góp ý, ngành bảo hiểm cần rà soát lại, điều tra thực tế điều kiện, hoàn cảnh của người lao động để đưa ra các loại sản phẩm phù hợp hơn. Cơ quan BHXH có thể nghiên cứu cho phép người lao động vay một khoản tiền và có thời hạn nhất định dựa trên số tiền bảo hiểm họ đã đóng. Việc này vừa tạo thuận lợi cho người lao động, vừa hạn chế thực trạng rút bảo hiểm một lần. Ngành bảo hiểm cũng cần sáng tạo hơn trong công tác tuyên truyền, tận dụng công nghệ và mạng xã hội để kết nối nhanh nhất với người lao động tự do, giúp họ nhìn ra lợi ích thực tế khi tham gia BHXH. Đồng thời, cần chủ động tìm ra các khách hàng tiềm năng, qua đó nâng cao hiệu quả trong việc phủ sóng loại hình BHXH tự nguyện đến các đối tượng trong xã hội.