Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế 6 tháng đạt 8,51%
Kinh tế khởi sắc, tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng cao |
Theo số liệu từ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng Cục Thống kê (GSO), tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến 20/6 đạt 8,51%, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm trước (5,47%). Với mức tăng trưởng này, đã có hơn 880.000 tỷ đồng được bơm thêm ra thị trường trong 6 tháng đầu năm.
Về huy động, tính đến cùng thời điểm 20/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,97% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,13%); tổng phương tiện thanh toán tăng 3,3% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm 2021 tăng 3,48%).
Trước đó, tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022, NHNN cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng đến ngày 9/6 đạt 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm khi nhu cầu tín dụng hồi phục sau đại dịch.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, trong 6 tháng đầu năm, chính sách tín dụng, tiền tệ đã từng bước hòa nhập với bối cảnh bình thường mới, tập trung tạo điều kiện tăng tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế.
Ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Phó Thống đốc cho rằng thời gian tới, tín dụng tăng trưởng tốt cùng với tác động của gói kích thích kinh tế sẽ tạo sự cộng hưởng, hỗ trợ tốt cho nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng.
NHNN cho biết, trong các quý còn lại của năm 2022, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, cũng như ổn định tỷ giá VND/USD trong cả năm để hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.
Đồng thời, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất, các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán.