Tăng trưởng xanh: Cơ hội và thách thức
Phát triển xanh bao trùm: Hướng đi phù hợp cho phát triển bền vững Coi chuyển đổi xanh như “trái tim” Ngân hàng “xanh hóa” dòng vốn tín dụng |
Nhiều việc phải làm
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP 26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030, giảm dần và loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040, bảo vệ rừng. Cam kết này đã được tái khẳng định tại Hội nghị COP 28 vào đầu tháng 12/2023 vừa qua, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm, cùng với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những năm qua, nhờ quyết tâm của Đảng, Nhà nước và các chính sách, chiến lược đã được vạch ra, Việt Nam đã đạt được một số thành công bước đầu về tăng trưởng xanh. Cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ, các hoạt động kinh tế xanh tại Việt Nam đã giúp tạo ra 6,7 tỷ USD vào năm 2020 (chiếm khoảng 2% tổng GDP). Những thành công bước đầu này phần lớn nhờ vào những khoản đầu tư vào các lĩnh vực xanh, đặc biệt là từ các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo ước tính, giai đoạn 2017-2021, có khoảng 9 tỷ USD nguồn vốn FDI được huy động vào các lĩnh vực xanh tại Việt Nam, tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo, sản xuất thiết bị, máy móc cho các dự án thuộc các lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Mặc dù duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ suốt từ năm 2011, song nền kinh tế xanh của Việt Nam vẫn còn đang trong thời kỳ sơ khai, còn nhiều thách thức mà Chính phủ, Nhà nước cần chú trọng quan tâm, tìm phương hướng giải quyết. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tăng trưởng xanh là xu hướng chi phối toàn cầu, là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của cả thế giới. Việt Nam cũng đang chịu áp lực trước xu hướng đó, đồng thời đây cũng là một hướng phát triển. Với cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đương đầu với những thách thức lớn, nhưng đó cũng là cơ hội để tiếp nhận được các nguồn hỗ trợ, chính sách, công nghệ để có thể “đi sau về trước”. Theo ông Thiên, để cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch hành động ngày càng cụ thể hơn, có 17 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ và 143 nhiệm vụ cụ thể, đồng thời xây dựng tích hợp chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp. Việt Nam đặt mục tiêu cụ thể: Trở thành quốc gia phát triển, thu nhập bình quân cao (lớn hơn 12.000 USD) vào năm 2045. Mục tiêu đó sẽ có nhiều thách thức. Từ nay đến năm 2045, chúng ta sẽ phát triển khác thường so với giai đoạn trước đây. Nếu làm được thì tăng trưởng sẽ vượt qua nền kinh tế thâm dụng lao động rẻ tiền. Bên cạnh, khi thay đổi phương thức phát triển, Việt Nam còn phải chống chịu với thách thức khác với nhiều nước, đó là chống chịu được biến đổi khí hậu. Đồng thời, thay đổi phương thức sống, áp lực phát triển đô thị. Theo đó, phải thay đổi phương thức phát triển, trong đó xanh là chủ yếu.
Còn theo ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), theo kịch bản thông thường, tổng phát thải của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến là 932 triệu tấn, trong đó ngành năng lượng chiếm 680 triệu tấn. Do đó, để đạt được mục tiêu Net Zero là thách thức rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế. Theo quy hoạch điện VIII được công bố vừa qua, lượng phát thải đến năm 2030 còn có thể 250 triệu tấn. Tuy nhiên, song hành với thách thức vẫn có cơ hội, trong quá trình chuyển đổi có hai cách: chuyển dịch cơ cấu tăng cường năng lượng tái tạo, sử dụng nguyên liệu sạch hơn, thay thế dần các nguyên liệu cho tầm nhìn 2025. Tầm nhìn năm 2030, tỷ lệ năng lượng tái tạo cao, điều này vừa là thách thức và cơ hội.
Giải pháp mang tính chiến lược
Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt thiên nhiên lẫn yếu tố về xã hội và con người, đem lại tiềm năng to lớn cho tăng trưởng xanh. Những lợi thế này bao gồm: Nguồn dự trữ carbon dồi dào đến từ tài nguyên rừng tự nhiên, chiếm tới hơn 40% tổng diện tích trên cạn của quốc gia. Thêm vào đó là thời tiết nóng và ẩm tại vùng cận xích đạo, dễ dàng phát triển rừng nhiệt đới với trữ lượng carbon lớn. Tài nguyên phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ nhờ vị trí địa lý đắc địa trong khu vực cận xích đạo nhiều nắng, bờ biển dài nhiều gió… Mặt khác, dân số lớn (đứng thứ 15 thế giới) với nhận thức ngày càng cao và rõ nét về các yếu tố môi trường, sức khỏe, với hơn 80% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh. Cùng đó, Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh về nền kinh tế số trong khu vực, với quy mô thị trường kinh tế số khoảng 23 tỷ USD năm 2022 và dự kiến có thể đạt đến 50 tỷ USD năm 2025. Nếu tận dụng triệt để tiềm năng, thế mạnh của quốc gia, lợi ích kinh tế - xã hội, cơ hội cho Việt Nam để xây dựng thành công nền kinh tế xanh là rất lớn.
Để thúc đẩy triển khai các định hướng tăng trưởng xanh dài hạn, bền vững, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC, có tám nhóm hành động cần được triển khai, đó là: Lồng ghép các mục tiêu, định hướng quan trọng của chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, kèm theo kế hoạch hành động ưu tiên trong ngắn hạn đến 2025; Cần xây dựng chiến lược quốc gia và lộ trình rõ ràng cho nhóm các ngành, lĩnh vực xanh quan trọng và phức tạp; Các dự án tăng tốc chiến lược tăng trưởng xanh cần được triển khai ở cấp tỉnh, thành phố; Các bộ, ngành và cơ quan liên quan cần phối hợp hoàn thiện hệ thống phân loại xanh quốc gia toàn diện, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế; Các cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ các dự án xanh tạo tiền đề để Việt Nam tăng tốc trong việc thu hút đầu tư cho các dự án xanh, đặc biệt là các dự án đòi hỏi mức đầu tư ban đầu cao do quy mô và độ phức tạp của công nghệ mới; Việt Nam có thể ứng dụng mô hình dự án thí điểm cho các lĩnh vực kinh tế xanh trọng điểm dựa trên đối chuẩn quốc tế, nhằm thử nghiệm, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ liên ngành và thu hút vốn FDI; Việc xây dựng một kế hoạch huy động, quản lý nguồn lực đầu tư, tài chính cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam là vô cùng cấp thiết, quan trọng, nhằm huy động, quản lý nguồn lực đầu tư, tài chính cho tăng trưởng xanh một cách toàn diện, cụ thể, bảo đảm rằng các mục tiêu tăng trưởng xanh của nước nhà được thực hiện và sử dụng một cách tốt nhất các nguồn lực sẵn có; Ban chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh tăng cường đẩy mạnh công tác phối hợp liên bộ, theo sát việc thực thi triển khai những chủ trương, kế hoạch, định hướng sẵn có, đồng thời tích cực làm việc với các đối tác, chuyên gia, tổ chức quốc tế.
Về giải pháp chính sách, pháp luật trong thời gian tới, theo quan điểm của TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Cần hướng dẫn và triển khai thực hiện hiệu quả các quy định về trách nhiệm, lộ trình và phương thức giảm phát thải khí nhà kính của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản dưới luật. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng phát triển thị trường carbon trong nước và mở rộng, kết nối với thị trường carbon quốc tế; thực hiện phân bổ hạn ngạch phát thải; xây dựng cơ chế trao đổi, bù trừ, cơ chế chứng nhận tín chỉ carbon; thiết lập sàn giao dịch tín chỉ carbon; xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) về giảm phát thải. Cần xây dựng và thực hiện các kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính các ngành, lĩnh vực; thực hiện kiểm kê, và kế hoạch giảm phát thải trong các cơ sở phát thải lớn. Để triển khai thực hiện Net Zero, bên cạnh quyết tâm mạnh mẽ, sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.