Tạo chuyển biến về truyền thông chính sách bảo hiểm tiền gửi
Hoạt động bảo hiểm tiền gửi - Những điểm nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2023 Hạn mức, thời hạn, thủ tục chi trả bảo hiểm tiền gửi |
Trong bối cảnh Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác truyền thông chính sách bảo hiểm tiền gửi cần tạo chuyển biến, nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp trên toàn hệ thống, từ nhận thức, hành động và nguồn lực đi kèm.
Đánh giá nhận thức của người gửi tiền về chính sách bảo hiểm tiền gửi, xác định hiệu quả truyền thông
Theo kết quả đề tài nghiên cứu ứng dụng do Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam thực hiện vào năm 2020, nhận thức của người gửi tiền về chính sách bảo hiểm tiền gửi được xác định thông qua tỷ lệ người gửi tiền nắm được toàn bộ các yếu tố cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi, bao gồm: đơn vị tiền tệ của tiền gửi được bảo hiểm; trách nhiệm nộp phí bảo hiểm tiền gửi; tổ chức chịu trách nhiệm trả tiền bảo hiểm; hạn mức trả tiền bảo hiểm; cách thức xử lý đối với số tiền vượt hạn mức.
Để đánh giá nhận thức của công chúng về chính sách bảo hiểm tiền gửi cũng như xác định hiệu quả triển khai công tác truyền thông, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã thực hiện khảo sát độc lập trên quy mô toàn quốc. Trong số hơn 1000 người tham gia khảo sát, có gần 35% cùng lúc nắm được tất cả các thông tin cốt lõi về chính sách bảo hiểm tiền gửi. Đa số người gửi tiền đã nhận biết được một phần (ít nhất 1 thành tố chính sách cốt lõi) nhưng không hiểu biết đầy đủ về các nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi, chiếm tỷ lệ hơn 61%. Và có gần 4% người gửi tiền tham gia khảo sát hoàn toàn không nhận biết bất cứ thành tố chính sách nào nêu trên.
Để đạt được tỷ lệ mục tiêu nhận thức mà Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi đặt ra, trong thời gian tới, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cần tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách để gia tăng mức độ nhận thức của người gửi tiền về chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Kinh nghiệm quốc tế về hoạt động truyền thông chính sách bảo hiểm tiền gửi
Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) tháng 11/2014 nhấn mạnh: Để bảo vệ người gửi tiền và góp phần vào sự ổn định hệ thống tài chính, cần đảm bảo công chúng phải được cung cấp đầy đủ thông tin cơ bản về hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần theo dõi thường xuyên các hoạt động nâng cao nhận thức và định kỳ tổ chức đánh giá độc lập về hiệu quả của chương trình và các hoạt động nâng cao nhận thức công chúng.
Truyền thông là một nhiệm vụ, chức năng thiết yếu trong hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới đã sử dụng nhiều công cụ truyền thông đa dạng trong một chương trình truyền thông toàn diện phục vụ tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi thường xuyên, liên tục.
Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Malaysia (PIDM) đánh giá mức độ nhận thức công chúng về bảo hiểm tiền gửi hàng năm thông qua các cuộc khảo sát trên toàn quốc do một cơ quan nghiên cứu độc lập thực hiện. Theo báo cáo thường niên của PIDM, mức độ nhận thức công chúng về bảo hiểm tiền gửi tại Malaysia đạt mức 81% vào năm 2021 - cao nhất kể từ khi thành lập PIDM vào năm 2005. Bên cạnh đó, PIDM tích cực hợp tác với các thành viên của Mạng lưới Giáo dục tài chính (FEN) và nâng cao mức độ nhận thức của người tiêu dùng tài chính thông qua các chương trình giáo dục trên các phương tiện truyền thông và chiến dịch truyền thông đại chúng.
Tại Philippines, tuần lễ nâng cao nhận thức và bảo vệ người gửi tiền (DPAW) được tổ chức đều đặn hàng năm, diễn ra rộng khắp trên toàn quốc dưới sự điều phối của Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Philippines (PDIC) nhằm nâng cao nhận thức công chúng về tiết kiệm và cơ chế bảo hiểm tiền gửi.
Trong khuôn khổ Tuần lễ DPAW, PDIC phối hợp với các ngân hàng và cơ quan, tổ chức khác thực hiện phổ biến thông tin và nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua tài liệu phát trên các nền tảng truyền thông truyền thống cũng như truyền thông xã hội, được các tổ chức đối tác tham gia khuếch đại. Những thông tin này cũng xuất hiện trên các tờ báo quốc gia và địa phương, các băng rôn, biểu ngữ trên đường phố và tại các điểm giao dịch, hiện diện dưới dạng kỹ thuật số, đồ họa và video.
Chương trình truyền thông do PDIC dẫn dắt đã nhấn mạnh thông điệp về tầm quan trọng, lợi ích của việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng, giao dịch ngân hàng an toàn, tiện lợi. Bên cạnh đó, PDIC cũng truyền thông về cơ chế bảo hiểm tiền gửi - sự đảm bảo an toàn đối với những đồng tiền của người dân đang được gửi tại hệ thống ngân hàng.
Tại Nhật Bản, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản (DICJ) thường xuyên tiến hành các chiến dịch truyền thông thông qua các kênh như tài liệu in ấn, trang thông tin điện tử, truyền thông đại chúng, truyền thông tại các trường đại học, các công ty tư nhân, các tổ chức liên kết với chính phủ. DICJ cũng xây dựng kế hoạch dự phòng nhằm giảm thiểu sự hỗn loạn và hiểu nhầm của người gửi tiền khi tổ chức tín dụng đổ vỡ thông qua việc cung cấp thông tin trên website và tổ chức họp báo kịp thời.
Để truyền thông là kênh truyền dẫn hiệu quả chính sách bảo hiểm tiền gửi
Qua kinh nghiệm quốc tế về truyền thông chính sách, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam có thể rút ra những bài học, đổi mới, bổ sung nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức của công chúng trong thời gian tới.
Việc truyền thông, phổ biến chính sách bảo hiểm tiền gửi cần được triển khai thường xuyên, định kỳ; đẩy mạnh các phương thức truyền thông mới; từng bước ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số; đưa các kênh thông tin đa phương tiện phục vụ cho công tác truyền thông phù hợp với các đối tượng mục tiêu. Ngoài ra, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cần thực hiện khảo sát mức độ nhận thức về chính sách bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền định kỳ ba năm một lần để đánh giá hiệu quả công tác truyền thông cũng như cập nhật, bổ sung các giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn.
Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả công tác truyền thông, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cần phân loại các nhóm công chúng mục tiêu, đồng thời xây dựng các chương trình và nội dung đào tạo thí điểm phù hợp với từng đối tượng, bồi dưỡng kiến thức về tài chính - ngân hàng và chính sách bảo hiểm tiền gửi tới công chúng, khẳng định vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.
Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cần sớm hoàn thiện Đề án truyền thông tổng thể và dài hạn phù hợp cho từng giai đoạn, phù hợp với Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi. Trong đó, tăng cường việc phối hợp tác của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam với các cơ quan quản lý Nhà nước, với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức giáo dục, phi lợi nhuận… để cùng triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tài chính - ngân hàng và lan tỏa chính sách bảo hiểm tiền gửi trên diện rộng cũng như nâng cao niềm tin của công chúng vào hoạt động ngân hàng.
Xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác truyền thông chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về truyền thông chính sách và xử lý khủng hoảng truyền thông; bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác truyền thông để triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách có hiệu quả, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác truyền thông chính sách bảo hiểm tiền gửi.