Tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá
Thương mại điện tử "nở hoa" | |
Doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới | |
Xuất khẩu qua thương mại điện tử mở ra nhiều cơ hội mới |
Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những thành tố quan trọng đóng góp sự hình thành và phát triển nền kinh tế số Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam luôn đạt mức cao từ 20% - 30%. Năm 2019, mức tăng trưởng đạt 25%, quy mô thị trường ở mức hơn 10 tỷ USD với gần 45 triệu người mua sắm trực tuyến (khoảng 45% dân số). Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 đã và đang tạo ra những “lực đẩy” rất lớn để thị trường TMĐT Việt Nam có thể tăng tốc phát triển toàn diện. Hai hãng TMĐT lớn nhất thế giới là Amazon và Alibaba cũng đang đi những bước đầu tiên tại thị trường Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Dự báo triển vọng kinh tế số Việt Nam có thể bứt phá lên 43 tỷ USD vào năm 2025, bao gồm các lĩnh vực TMĐT, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ. Trong đó, TMĐT được dự đoán đạt doanh số 23 tỷ USD vào năm 2025. Đây được cho là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập nhanh chóng vào sân chơi toàn cầu.
Theo đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số, năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề với nền kinh tế toàn cầu, các hoạt động sản xuất, cung ứng, thông thương… đều bị đình trệ, gián đoạn và không ít doanh nghiệp đã phải tạm ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Rất nhiều doanh nghiệp Việt đã tìm ra lối thoát, nhanh chóng triển khai những giải pháp để duy trì hoạt động như đẩy mạnh hoạt động trên thị trường TMĐT, cải thiện sản phẩm, chuyển đổi dịch vụ để phù hợp với thị trường, tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra. Phương thức bán hàng qua mạng thông qua các trang web và sàn giao dịch điện tử… đã mang lại cho người tiêu dùng nhiều tiện ích mới, doanh số bán hàng theo hình thức TMĐT của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao. Có nhiều doanh nghiệp thành công và coi các nền tảng TMĐT là hình thức kinh doanh chủ yếu của mình. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp ứng dụng thành công TMĐT vẫn chưa đạt kỳ vọng. Hiện vẫn có hơn 70% các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chưa triển khai xây dựng kênh TMĐT cho mình, đặc biệt là TMĐT quốc tế. Chính vì vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển trong xu thế mới.
Ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, TMĐT sẽ là giải pháp giúp kết nối nhà sản xuất, nhà phân phối và các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Việc kết nối "các nhà" thông qua TMĐT cũng sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống có sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Trong thời điểm hiện nay, doanh nghiệp có nhiều cơ hội để kinh doanh thành công trên các sàn TMĐT. Theo đó, họ có thể không mất phí xây dựng và vận hành, giảm chi phí marketing, nhờ tiếp cận trực tiếp với tập khách hàng lớn, giảm chi phí đầu tư nhân sự, tăng chất lượng dịch vụ…
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng TMĐT, trong năm 2020, Cục đã phối hợp với 45 Sở Công thương trên cả nước triển khai 55 lớp tập huấn tuyên truyền về pháp luật, kiến thức TMĐT cho gần 7.000 cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và sinh viên. Cùng với đó, hợp tác với Amazon trong đào tạo nguồn nhân lực về TMĐT xuyên biên giới cho doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến. Để giảm thiểu những tác động của dịch Covid-19, Cục cũng đã triển khai nhiều khóa đào tạo trực tuyến trên kênh youtube cung cấp kiến thức và các kỹ năng số giúp đa dạng hóa mô hình kinh doanh, mở rộng kênh tiếp cận khách hàng…
Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng TMĐT. Trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ, TMĐT là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, giúp nâng cao sức cạnh tranh. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh số TMĐT B2C (hình thức kinh doanh từ doanh nghiệp, công ty tới khách hàng) tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến tăng 25%, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt mức 18% và quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số. Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, với tốc độ tăng trưởng 29% trong cả giai đoạn 2020-2025, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025. |