Thương mại điện tử "nở hoa"
Mùa mua sắm cuối năm: Cơ hội để thương mại điện tử bứt phá | |
Xuất khẩu qua thương mại điện tử mở ra nhiều cơ hội mới | |
Công nghiệp hậu cần thích ứng với thương mại điện tử |
Ông Nguyễn Thế Quang, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số - Bộ Công thương chia sẻ, năm 2020, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề với nền kinh tế toàn cầu, các hoạt động sản xuất, cung ứng, thông thương… đều bị đình trệ, gián đoạn, khiến không ít doanh nghiệp đã phải tạm ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Trong bối cảnh đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt đã tìm ra hướng đi, nhanh chóng triển khai những giải pháp để duy trì hoạt động như đẩy mạnh hoạt động trên thị trường TMĐT, cải thiện sản phẩm, chuyển đổi dịch vụ để phù hợp với thị trường, tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra. Điều đáng chú ý là các doanh nghiệp sản xuất nằm trong nhóm lớn nhất cả nước đều đưa TMĐT vào chiến lược phát triển dài hạn và xây dựng kênh phân phối mới.
Thúc đẩy mua sắm trực tuyến - tăng phân phối, lưu thông hàng hóa |
Các nền tảng phục vụ cho TMĐT như Hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia KeyPay, Hệ thống Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store, Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday, Gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn TMĐT lớn... được khai thác hiệu quả, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho TMĐT của Việt Nam phát triển.
Đặc biệt, ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến của Online Friday, 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60h, tăng gần 270% so với cùng kỳ.
Nhờ đó, TMĐT Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng ấn tượng - tăng 18%, với quy mô thị trường đạt 11,8 tỷ USD, ước chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Kết quả đó đưa Việt Nam trở thành nước duy nhất tại Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số năm 2020. Dự báo của Google, Temasek và Bain&Company, với tốc độ tăng trưởng 29% trong cả giai đoạn 2020-2025, quy mô của nền kinh tế số Việt Nam có thể vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp cũng như để giúp việc mua sắm được thuận lợi, khuyến khích mua sắm trực tuyến, tăng cường quản lý hoạt động TMĐT, Cục đã có văn bản sớm yêu cầu các sàn TMĐT, các website TMĐT bán hàng rà soát việc niêm yết giá nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm, gian hàng vi phạm và các hành vi gian lận như nâng giá bán, nâng giá vận chuyển hoặc người bán có tỷ lệ hủy đơn hàng cao. Đồng thời, ưu tiên hiển thị các sản phẩm phòng dịch thiết yếu, ông Nguyễn Thế Quang chia sẻ.
Song song với đó, để xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh cao, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, Cục TMĐT và Kinh tế số xác định công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực thi pháp luật và phối hợp xử lý vi phạm về TMĐT là vô cùng quan trọng.
Trong năm 2020, Cục đã tiếp nhận và xử lý 250 lượt phản ánh trên cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT, bao gồm các hành vi vi phạm chính như: không đăng ký, thông báo website, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng. Cục cũng phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài bộ trực tiếp tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 11 trường hợp với tổng mức phạt hành chính là trên 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Cục TMĐT và Kinh tế số còn phối hợp chặt chẽ với Tổ 399 (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia), Tổ 368 - Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan tiến hành theo dõi, thu thập các thông tin về dấu hiệu vi phạm trên nền tảng TMĐT, dấu hiệu vi phạm về việc kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại nhiều điểm nóng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và đã xử lý nhiều vụ việc lớn…
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy TMĐT phát triển trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng lưu ý Cục TMĐT và Kinh tế số tiếp tục tập trung xử lý, khắc phục một số vấn đề như: rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng TMĐT; quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường cho lĩnh vực TMĐT phát triển, các chính sách quản lý được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi ứng dụng TMĐT.
Chú trọng phát triển các hạ tầng kỹ thuật cho TMĐT, xây dựng giải pháp ứng dụng phù hợp cho doanh nghiệp và tổ chức một số hoạt động kích cầu TMĐT cho người tiêu dùng nhằm tăng doanh thu TMĐT của Việt Nam. Tuyên truyền, đào tạo kỹ năng TMĐT cho người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp cũng như tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong TMĐT. Chú trọng đầu tư nguồn nhân lực phục vụ phát triển TMĐT...