Tạo động lực cho tăng trưởng
Ông Nguyễn Đức Lệnh |
Năm 2022, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng TP.Hồ Chí Minh đạt 14%, ông có thể cho biết vốn ngân hàng tập trung vào những lĩnh vực nào?
Trước hết phải nói rằng, trong bối cảnh khó khăn từ hậu Covid-19 và do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine làm giá nhiên liệu vật liệu tăng và lạm phát cao gây suy giảm kinh tế ở một số nền kinh tế ảnh hưởng đến Việt Nam, trong đó có TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, kết quả cả năm kinh tế thành phố vẫn rất ấn tượng, GRDP năm 2022 của TP.Hồ Chí Minh đạt 9,02%. Kết quả này có phần đóng góp quan trọng của hệ thống ngân hàng thành phố. Theo đó năm qua, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn ước đạt 14%, tương đương với số dư nợ 3,2 triệu tỷ đồng.
Vốn ngân hàng đã được tập trung nhiều cho 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên với lãi suất ưu đãi theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN là xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổng dư nợ lãi suất ưu đãi này trên địa bàn đạt gần 200.000 tỷ đồng cho trên 33 nghìn khách hàng, tăng gần 5% so với cuối năm 2021; trong đó cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 146.900 tỷ đồng, chiếm 75%.
Năm qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh cũng tiếp tục triển khai hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 bao gồm các hoạt động cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí lãi vay và cho vay mới lãi suất thấp... Dư nợ thời điểm cao nhất của các khách hàng thuộc đối tượng này lên đến 474.192 tỷ đồng với hơn 1,2 triệu lượt doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vay vốn. Sự hỗ trợ của ngân hàng đã giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ vay, giảm chi phí vay vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh và có dòng tiền trở lại để trả nợ ngân hàng.
Từ những kết quả đạt được trong năm qua, năm 2023, ngành Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh sẽ đặt trọng tâm vào những lĩnh vực nào?
Trọng tâm của ngành Ngân hàng thành phố là triển khai các mục tiêu chính sách tiền tệ của NHTW; đồng thời bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Chúng tôi sẽ thúc đẩy các TCTD tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao ứng dụng công nghệ và nâng cao hiệu quả quản lý… Nhắm đến mục tiêu cuối cùng là giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, làm cơ sở giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Chúng tôi yêu cầu các TCTD trên địa bàn tiếp tục quản trị tốt tài sản Có, khai thác và sử dụng vốn hiệu quả; tiếp tục tập trung vốn cho các nhóm ngành, lĩnh vực là động lực của nền kinh tế; Đồng thời đảm bảo chất lượng tín dụng, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp với các giải pháp thực tế, hiệu quả...
Điều này không chỉ tạo động lực cho TCTD tăng trưởng còn hạn chế rủi ro cho hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, đặc biệt là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Bởi, hiện nay các dịch vụ ngân hàng hiện đại như thẻ, quét mã QR… đối với lớp trẻ, cán bộ nhân viên, văn phòng thành phố khá phổ biến.
Tuy nhiên, số liệu thống kê và phân tích thị trường cho thấy, trên địa bàn ngoại ô tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt còn thấp. Đây chính là một trong những động lực tăng trưởng cho ngân hàng và các trung gian thanh toán phát triển trong năm 2023. TCTD cần phát triển dịch vụ tài chính đi đôi với các nhóm khách hàng là người lao động, nông dân và người trung niên, cao tuổi có tài khoản thanh toán.
Hoạt động hỗ trợ của ngành Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh với doanh nghiệp trong năm 2023 sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
NHNN chi nhánh thành phố sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, trong đó khuyến khích các TCTD đăng ký gói tín dụng với lãi suất cho vay ưu đãi. Đặc biệt, chúng tôi sẽ hỗ trợ các quận huyện và thành phố Thủ Đức thực hiện các hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn phát sinh liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Ngoài ra, chi nhánh sẽ thúc đẩy các TCTD trên địa bàn cho vay hỗ trợ lãi suất theo các chương trình tín dụng của Chính phủ, NHTW và UBND TP.Hồ Chí Minh; nhất là tích cực triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ, nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.