Tập huấn chính sách, pháp luật về bảo vệ biên giới Tổ quốc năm 2022
Toàn cảnh buổi tập huấn. |
Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo, chuyên viên các Sở Thông tin và Truyền thông khu vực phía Bắc; cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại của Thủ đô; phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay và trong thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ biên giới quốc gia và công tác biên phòng nói riêng đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, nặng nề, khó khăn, phức tạp. Để góp phần thực hiện thắng lợi trong Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy cần đặc biệt quan tâm đến công tác phổ biến chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ biên giới Tổ quốc, nhất là đối với các đối tượng là cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên - những người đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến pháp luật, chính sách thông qua công việc, bài viết, phóng sự của mình để lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân.
Tại Hội nghị, phóng viên, biên tập các cơ quan báo chí được nghe thông tin chính sách pháp luật của Việt Nam về phân giới cắm mốc; về phát triển biên giới trên tinh thần hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; về giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ; tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ biên giới Tổ quốc, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới, của việc hoàn thành xây dựng đường biên giới rõ ràng, chính xác, hiện đại, có giá trị pháp lý đối với sự phát triển của mỗi nước và hòa bình, ổn định của khu vực.
Trước đó, trong sáng cùng ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và kỹ năng viết bài về dân tộc, tôn giáo nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống lịch sử; các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội; từ đó, góp phần xây dựng nhận thức đúng đắn của xã hội về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo và các chính sách, pháp luật về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.