Lạm phát cao nhất 30 năm
Cũng giống như nhiều nền kinh tế khác, áp lực lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh tại Nhật trong bối cảnh giá hàng hóa tăng mạnh trong bối cảnh chuỗi cung ứng vẫn chưa phục hồi do đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nay lại cộng thêm những tác động bất lợi từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đẩy giá năng lượng tăng cao.
Các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg dự báo, giá tiêu dùng tại Nhật có thể tăng 1,8% trong năm tài chính hiện tại. Thậm chí trong một báo cáo được công bố hồi đầu tuần trước, các nhà kinh tế của SMBC Nikko Securities còn dự báo lạm phát tại Nhật sẽ tăng lên khoảng 2,5%.
Điều đó đã thúc đẩy kỳ vọng BOJ sẽ phải nâng dự báo lạm phát của mình. BOJ sẽ công bố dự báo kinh tế hàng quý, trong đó có dự báo lạm phát, vào ngày 28/4 sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày.
![]() |
Thống đốc NHTW Nhật Bản Haruhiko Kuroda |
Các nhà kinh tế cho rằng dự báo lạm phát của BOJ sẽ vượt xa mức 1,2%, đánh dấu mức tăng giá mạnh nhất trong 30 năm sau khi loại trừ tác động của việc tăng thuế bán hàng vào các năm 1997, 2014 và 2019. Trong khi theo những người quen thuộc với vấn đề này, BOJ có thể sẽ nâng dự báo tốc độ giá tiêu dùng của Nhật Bản lên khoảng từ 1,5% đến 1,9% cho năm bắt đầu vào tháng này, so với dự báo 1,1% đưa ra hồi tháng Giêng.
Trong bối cảnh các NHTW toàn cầu đang chuyển hướng chính sách sang thắt chặt, thậm chí nhiều NHTW lớn đã tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda sẽ phải giải thích lý do tại sao ông vẫn kiên quyết duy trì chính sách kích thích cho dù giá cả đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ.
Theo các nhà phân tích, ông Kuroda - hiện đang ở năm cuối cùng nắm quyền điều hành NHTW - sẽ cần phải rất căn chỉnh trong thông điệp của mình để tránh gây ra ấn tượng rằng BOJ sắp hoàn thành nhiệm vụ thúc đẩy lạm phát, một quan điểm có thể thúc đẩy kỳ vọng BOJ sẽ điều chỉnh chính sách trong năm nay.
Vẫn tiếp tục duy trì kích thích
“BOJ sẽ cố gắng làm rõ rằng họ thậm chí sẽ không xoay chuyển (chính sách) với việc nâng dự báo lạm phát”, Eiji Kitada - Nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Hamagin cho biết. “Việc nâng triển vọng lạm phát là điều tự nhiên sau khi giá năng lượng tăng vọt. Điều quan trọng là cách họ đánh giá tính bền vững của lạm phát”.
Trên thực tế, Thống đốc Kuroda cũng đã nhiều lần nói rằng giá cả bị đẩy lên do chi phí tăng không phải là mức tăng ổn định mà ông tìm kiếm, vì vậy BOJ cần phải tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích.
Các quan chức BOJ cũng nhận thấy không cần thiết phải thực hiện các động thái như Fed và nhấn mạnh rằng các biện pháp kích thích phải được tiếp tục, những nguồn tin quen thuộc nói với Bloomberg. Họ cho biết thêm, nếu không có triển vọng tăng lương mạnh để hỗ trợ lạm phát, mức tăng giá hàng năm sẽ duy trì ở mức dưới 2% trong năm tài chính 2024 sau khi tác động của chi phí năng lượng cao hơn suy yếu vào năm tới.
Tuy nhiên sự khác biệt so với thông điệp của Fed và các NHTW khác đã gây áp lực lên lợi suất trái phiếu và khiến đồng yên rơi xuống mức yếu nhất trong 20 năm. Điều đó khiến các quan chức chính phủ Nhật Bản lo lắng và cố gắng ngăn chặn đà giảm của đồng nội tệ thông qua các phát biểu kêu gọi sự ổn định trên thị trường tiền tệ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Shunichi Suzuki đã nhắc lại quan điểm đó vào đầu thứ Sáu, mặc dù nhận xét của ông không ngăn được đồng yên rơi xuống thấp nhất trong 20 năm.
Hiện tại, chính phủ đang tiếp tục ủng hộ lập trường của BOJ, mặc dù vẫn còn phải xem liệu các vết nứt có xuất hiện hay không nếu đồng yên tiếp tục trượt giá. Thủ tướng Fumio Kishida cho biết, ông sẽ tiếp tục làm việc với BOJ để ngăn chặn giảm phát, đồng thời nói thêm rằng việc quyết định các chính sách cụ thể là tùy thuộc vào BOJ.
Hideo Hayakawa - cựu kinh tế trưởng của BOJ nói với Bloomberg rằng ông hy vọng BOJ sẽ điều chỉnh chính sách ngay sau tháng 7 để ngăn chặn sự suy yếu của đồng yên. Tuy nhiên hầu hết các nhà kinh tế không mong đợi một sự thay đổi chính sách trong năm nay.
Bloomberg dẫn lời các nguồn tin quen thuộc cho biết, BOJ cũng có khả năng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm tài chính hiện tại với biên độ đáng chú ý từ mức 3,8% để phản ánh tác động của làn sóng omicron và ảnh hưởng từ việc giá hàng hóa tăng cao.
Hoàng Nguyên
Nguồn: