Thận trọng với đề xuất thế chấp sổ bảo hiểm xã hội
Hà Nội: Thanh tra 20 đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội | |
Đà Nẵng: Nhiều “ông lớn” chây ì nộp bảo hiểm xã hội | |
Lại “nóng” chuyện nợ bảo hiểm xã hội |
Cần nghiên cứu kỹ lưỡng
Tại buổi họp báo thông tin về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi vừa được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức, một số ý kiến cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH nên cân nhắc giải pháp cho phép người lao động có thể sử dụng tiền đã đóng BHXH (sổ BHXH) như một loại tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Cụ thể, đại diện Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, hiện nay lượng người lao động có nhu cầu rút BHXH một lần nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt khá lớn. Nếu các NHTM có thể liên kết với cơ quan giải quyết chế độ BHXH một lần để có hình thức cấp tín dụng cho người lao động vay vốn, với lãi suất phù hợp, ứng với số tiền dự định rút BHXH một lần, trong một thời hạn nhất định. Khoản tiền rút BHXH một lần nếu được xem là tài sản thế chấp thì người lao động có thể vay vốn mà vẫn duy trì gắn bó với hệ thống BHXH để hưởng chế độ hưu trí khi về già.
Số hóa sổ BHXH sẽ hạn chế tình trạng cầm cố sổ BHXH được in bằng giấy và bàn giao cho người lao động |
Ngay sau khi ý kiến đề xuất trên được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều bạn đọc, người dân tỏ ra khá đồng tình với việc coi sổ BHXH là một loại tài sản có thể dùng để thế chấp, vay vốn từ các TCTD.
Chẳng hạn, bà Nguyễn Thị Huyền Nga (Quận 4-TP.HCM) cho rằng, lâu nay Chính phủ và các bộ ngành có chính sách hỗ trợ người thuộc diện thu nhập thấp vay gói mua nhà ở xã hội nhưng trên thực tế, nếu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều trường hợp không đủ số tiền ban đầu (10%-20% trị giá của ngôi nhà). Hoặc có thể người lao động khó chứng minh điều kiện thu nhập để vay vốn từ ngân hàng nên rất khó thực hiện được giấc mơ an cư. Chính vì vậy, giải pháp dùng sổ BHXH như một loại tài sản đảm bảo có thể sẽ là giải pháp rất khả thi. Chẳng hạn, người lao động chỉ cần chứng minh có đóng BHXH từ 10 năm trở lên có thể thế chấp bằng sổ BHXH để vay mua nhà.
“Hiện nhiều người rút BHXH một lần để lo tài chính trước mắt, nếu ngân hàng chịu thế chấp bằng sổ tiết kiệm cho họ, tương tự như cho vay cầm cố sổ tiết kiệm và cho vay khoảng 70-80% hạn mức thì họ sẽ không phải rút BHXH, ngân hàng cũng sẽ dễ quản lý bởi danh sách từ BHXH chuyển qua sẽ rất đúng đối tượng được vay ưu đãi”, bà Nga phân tích.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cũng cho rằng, đề xuất dùng sổ BHXH để thế chấp, vay vốn là “một đề xuất hay”, nhưng Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hiện nay chưa có điều khoản liên quan tới chính sách này. Trong khi Luật BHXH 2014 (Điều 23) không có quy định về việc cơ quan BHXH được liên kết với ngân hàng cho người lao động đã nghỉ việc dùng sổ BHXH thế chấp vay tiền để làm ăn, chữa bệnh...; cũng như sử dụng sổ BHXH với những mục đích khác không đúng quy định của pháp luật.
Việc dùng sổ BHXH như một tài sản đảm bảo để thế chấp vay vốn từ các TCTD hiện nay cũng không được quy định trong các văn bản luật liên quan đến thế chấp, vay vốn của các TCTD. Vì vậy, đề xuất bổ sung quy định thế chấp sổ BHXH để vay vốn, cần được cân nhắc thấu đáo. “Đơn vị soạn thảo (Dự thảo Luật BHXH sửa đổi-PV) sẽ tiếp tục nghiên cứu về đề xuất này”, ông Hoan cho biết.
Trái luật và nhiều rủi ro
Theo quy định của pháp luật (như Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ) không có quy định cho phép sổ BHXH là một loại tài sản có thể dùng để đảm bảo thế chấp, vay vốn từ các TCTD.
Cụ thể, Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: (1) Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; (2) Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Điều 115 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng quy định: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Mặc dù Bộ luật Dân sự 2015 cũng như Nghị định 21/2021/NĐ-CP không đưa ra quy định cụ thể về giấy tờ có giá, song trước đây Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 63/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm quy định: Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch.
Trong khi Luật BHXH 2014 quy định: Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng quy định: Sổ bảo hiểm xã hội được xây dựng trên môi trường điện tử và được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng, là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của Luật này và chế độ theo quy định tại Điều 29 của Luật này.
Chiểu theo các quy định trên thì sổ BHXH không phải là tài sản hay giấy tờ có giá để có thể cầm cố, thế chấp vay vốn tại các TCTD.
Nhóm luật sư tại Công ty Luật ACC cho rằng, theo các quy định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (Quyết định 1035/QĐ-BHXH, 2015 và Quyết định 595/QĐ-BHXH, 2017) nếu người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, thế chấp thì sẽ không được cấp lại sổ. Ngoài ra, sổ BHXH cũng không phải là tài sản được cầm cố, thế chấp, mua bán. Người lao động nếu đã cầm cố, thế chấp rồi khai báo bị mất, bị hư hỏng để xin cấp lại sẽ bị xem là “kê khai không đúng sự thật” và sẽ bị xử phạt hành chính 500.000 – 1.000.000 đồng (theo Điều 27 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ BHXH).
Thực tế, Cơ quan BHXH đã bàn giao sổ BHXH cho hàng chục triệu người lao động và không ít trường hợp dùng sổ BHXH để cầm cố, thế chấp tại các tiệm cầm đồ, các cửa hàng tài chính tiện lợi nhằm vay vốn giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia pháp lý, cầm cố, thế chấp sổ BHXH là rất rủi ro cho cả bên cầm cố và bên nhận cầm cố. Bên cầm cố, rủi ro mất sổ BHXH và không được cấp lại, đồng thời có thể bị phạt hành chính nếu bị phát hiện. Trong khi đó, đối với bên nhận cầm cố, việc nhận sổ BHXH chỉ như một hình thức “giữ hộ đồ” của người khác, nếu xảy ra tranh chấp, việc xử lý tài sản cầm cố sẽ rất khó thực hiện. Vì khoản chi trả BHXH chỉ được chi trả đúng chủ sở hữu sổ và người được ủy quyền.
Riêng đối với các TCTD chính thức, hiện nay chưa có TCTD nào cho vay thông qua việc thế chấp bằng sổ BHXH. Vì thế người lao động cần tỉnh táo, cân nhắc trước những thủ đoạn lừa gạt cho vay vốn thế chấp bằng sổ BHXH để tránh những rủi ro phát sinh. Bên cạnh đó, các TCTD cũng cần tìm hiểu chính sách pháp luật liên quan đến sổ BHXH và chính sách chi trả BHXH. Từ đó giải thích với khách hàng, người lao động, nhằm giảm thiểu tối đa những rủi ro cho cả hai bên khi giao dịch cho vay không phù hợp với các quy định của pháp luật.