Thanh long gặp khó khi xuất khẩu tiểu ngạch
Tại diễn đàn "Kết nối sản xuất, chế biến và thúc đẩy thị trường nội địa", bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, trước khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, hầu hết các thương lái cam kết mua thanh long của người dân với giá 22.000 đồng/kg, đủ để người dân bù đắp cho chi phí sản xuất và thu lợi nhuận. Tuy nhiên, khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, đồng loạt các kho thanh long trên địa bàn tỉnh Long An đã tạm dừng thu nhận hàng khiến cho không chỉ nông dân mà thương lái cũng lâm vào cảnh khốn đốn. Hiện kho chứa trên địa bàn tỉnh Long An chỉ có công suất 5.400 tấn nhưng đến nay đã chứa 3.000 tấn, trong khi địa phương có khoảng 10.000 ha diện tích trồng thanh long với sản lượng khoảng 20.000 tấn. Đây là áp lực rất lớn đối với tỉnh.
Người trồng thanh long đang điêu đứng vì giá giảm thê thảm |
Tương tự, tại Bình Thuận, sản lượng thanh long đến tháng 2/2022 là 120.000 tấn, tương đương 30% diện tích hiện có của tỉnh, tức 10.000 ha. Theo thống kê, tỉnh Bình Thuận đang là địa phương có diện tích thanh long lớn nhất cả nước với trên 32.000ha, sản lượng đạt khoảng 700.000 tấn/năm. Khoảng 80-90% sản lượng thanh long của tỉnh chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện tỉnh Bình Thuận có 111 cơ sở thu mua, trữ lượng tổng kho lạnh là 16.000 tấn. Trong đó có 13 cơ sở chế biến, quy mô nhỏ và vừa, còn đơn giản và con số này so với tổng sản lượng của tỉnh là “không đáng bao nhiêu”. Hiện công suất kho trữ lạnh “chưa bằng số lẻ” của sản lượng. Hiện tỉnh còn tồn 400-500 xe thanh long.
Đại diện Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết, thời điểm Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long trùng với dịp cao điểm sản xuất, xuất khẩu thanh long phục vụ thị trường tết của tỉnh Bình Thuận nên ảnh hưởng rất lớn đến người dân và doanh nghiệp. Ông Huỳnh Cảnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận thông tin, hiện xuất khẩu thanh long bằng đường bộ qua thị trường Trung Quốc đã không thể thông quan. Trong khi đó, thanh long đi đường biển thì hiện không có container để chở hàng nên giá thanh long giảm mạnh là điều dễ hiểu. "Thanh long xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường bộ mất khoảng gần 1 tháng, còn nếu xuất bằng đường biển hiện phải mất gần 2 tháng nên rất khó bảo quản và chi phí quá cao. Trước đây 1 container (gần 20 tấn) tốn khoảng 60-70 triệu đồng, nay lên tới gần 200 triệu đồng", ông Huỳnh Cảnh nói.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đang khuyến khích tiêu thụ nội địa, rà soát kho lạnh. Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận kêu gọi các hộ dân và doanh nghiệp tăng cường kết nối tiêu thụ trong nước, các siêu thị... để tiêu thụ lượng hàng cho người dân. Ông Tuấn kêu gọi doanh nghiệp trong nước hỗ trợ tỉnh trong tiêu thụ và các cơ quan liên quan của tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về cung cấp thông tin, tạo điều kiện hạ tầng...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, các mặt hàng nông sản đang ùn tắc nhiều là thanh long, mít ở Lạng Sơn và thủy sản ở Quảng Ninh. Xuất khẩu thanh long nói riêng và trái cây, nông sản nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị để sớm tháo gỡ. Một phương án có thể tính đến là các địa phương phải kết nối với các đơn vị chế biến. Bộ cũng cho biết, dự kiến từ nay đến hết Tết Nguyên đán có tới 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.
“Đề nghị các doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm, cần nắm được thông tin từ phía nước bạn. Với riêng thanh long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn và sẽ trình Chính phủ sớm”, ông Nam thông tin.
Nhấn mạnh việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan của Trung Quốc để đẩy nhanh tốc độ thông quan, đồng thời hạn chế đưa xe hàng về cửa khẩu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương phấn đấu trước Tết Nguyên đán không còn tình trạng xe ùn tắc tại các cửa khẩu. |