Tháo gỡ nút thắt về chi phí logistics
Việt Nam lọt Top 10 chỉ số Logistics các thị trường mới nổi | |
Đến 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6% | |
Chuỗi cung ứng lạnh đang “hâm nóng” ngành logistics |
Những đơn hàng xuất khẩu liên tiếp báo về trong những tháng đầu năm nay đã giúp các doanh nghiệp lạc quan và tự tin hơn vào triển vọng của năm 2021. Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu tích cực, một số doanh nghiệp cho biết vẫn bị mất đơn hàng vì giá cước thuê container quá cao.
Đơn cử như giá cước thuê container hiện tại từ TP.Hồ Chí Minh đi Châu Âu dao động từ 4.000 - 4.600 USD/cont 20 feet; từ TP.Hồ Chí Minh đi Châu Phi là 3.500 - 4.000 USD/cont 20 feet; từ TP.Hồ Chí Minh đi Trung Đông có giá từ 1.800 - 2.400 USD/cont 20 feet…
Chính vì thế, doanh nghiệp cho biết khách hàng đã lựa chọn mua hàng ở các nước có vị trí địa lý gần hơn để giảm giá cước và rủi ro trong quá trình vận chuyển.
Ảnh minh họa |
Theo thống kê của Công ty nghiên cứu Armstrong & Associates (Hoa Kỳ), chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore, cao gần gấp hai lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.
Đặc biệt, vào những tháng cuối năm 2020 đã xuất hiện tình trạng giá thuê container tăng cao “phi mã”, khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu điêu đứng. Nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận bỏ ra một khoản phí lớn hơn nhiều so với bình thường để kịp giao hàng cho khách.
Trước tình trạng trên, Bộ Giao thông - Vận tải đã phối hợp với Bộ Công thương có nhiều buổi làm việc với các hãng tàu, hiệp hội chủ hàng, các doanh nghiệp dịch vụ logistics để tìm hiểu cũng như đưa ra giải pháp. Trước mắt, phí logistics đã không còn tình trạng tăng phi mã.
Hiện Bộ Giao thông - Vận tải đã chủ trì thành lập một đoàn kiểm tra, trong đó có thành phần đại diện của Bộ Công thương để tiếp tục đi làm việc với các hãng tàu, một mặt để kiểm tra tình hình thực hiện Nghị định 146/2016/NĐ-CP về quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển. Bên cạnh đó, tích cực triển khai các giải pháp gia tăng lượng container rỗng đưa về Việt Nam cũng như hợp lý hóa những khoản thu mà hiện nay các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang phản ánh là tăng cao quá mức hợp lý.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần có những biện pháp cụ thể và quyết liệt hơn để có thể giải quyết dứt điểm bài toán chi phí logistics đã tồn tại nhiều năm nay.
Theo báo cáo logistics Việt Nam 2020, chi phí vận tải vẫn là thành phần chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics. Nguyên nhân do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế giữa vận tải đường biển, đường sắt và đường bộ.
Vận tải đa phương thức để kết hợp các ưu điểm của từng phương thức vận tải cũng chưa phát triển hiệu quả ở Việt Nam. Kết nối giữa các phương thức vận tải vẫn tiếp tục là vấn đề hạn chế.
Trong khi với cước vận tải đường biển, do phụ phí chủ tàu container nước ngoài thu cao và bất hợp lý tùy theo từng hãng tàu: như phụ phí vệ sinh container, phụ phí mất cân bằng container… cùng với hạn chế về kết cấu hạ tầng cảng biến gắn với phương tiện sau cảng; ùn tắc đường vào ra cảng biển dẫn đến cước vận tải biển tăng cao.
Theo ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Delta, các doanh nghiệp vận tải Việt Nam cần phải được sử dụng một hệ thống hạ tầng logistics được đầu tư hoàn chỉnh để có thể hoạt động có hiệu quả nhằm giảm chi phí dịch vụ logistics.
Mặt khác, để cắt giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh, cần tạo ra một môi trường số để thúc đẩy các doanh nghiệp logistics ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động hàng ngày.
Báo cáo logistics Việt Nam 2020 cũng khuyến nghị, cần xây dựng và vận hành hiệu quả Cổng thông tin điện tử về vận tải hàng hóa. Qua đó giúp thị trường vận tải trở nên minh bạch và có tính kết nối cao giữa khách hàng với doanh nghiệp vận tải và giữa các doanh nghiệp vận tải với nhau, tăng hiệu quả sử dụng phương tiện thông qua kết hợp vận tải giữa chiều đi và chiều về nhằm giảm thiểu tỷ lệ các chuyến hàng về bị rỗng.
Ngoài ra, việc giảm chi phí “mờ” trong vận tải đường dài cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm tổng chi phí vận tải. Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, nếu cắt giảm được chi phí này thì tổng chi phí vận tải (cho chuyến đi trên 100 km) có thể giảm xuống 13%.
Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan. Có thể kể đến như cảng điện tử (ePort) và lệnh giao hàng điện tử (eDO) tại Tân Cảng Sài Gòn; ứng dụng giải pháp tổng thể trong dịch vụ logistics tại Công ty T&M Forwarding… Một số cảng khác cũng đã chính thức áp dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy trong việc bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ.
Mới đây, để thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistics ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã ký quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5 - 6%. |