Thẻ chip chuẩn EMV: Tổng quan những điều cần biết
Công nghệ của thẻ chip Việt
Thẻ chip là loại thẻ mà trên thẻ có gắn chip điện tử. Công nghệ này cho phép thẻ có khả năng lưu trữ thông tin quan trọng được mã hóa và chỉ được giải mã qua phần mềm kiểm soát, được tích hợp để giải mã thông tin trong thẻ.
Thực tế những chiếc thẻ chip đầu tiên ra đời vào năm 1990, nhưng do giá thành cao nên mãi đến năm 2000, khi công nghệ chế tạo chip được phát triển làm giá thành hạ thấp hơn, thẻ chip mới trở nên phổ biến tại các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Âu, Đài Loan, Malaysia…
Quy trình xử lí công nghệ thẻ chip hiện tại mà ngành Ngân hàng và hệ thống kết nối thanh toán tại Việt Nam đang triển khai là theo chuẩn quốc tế EMV.
EMV là viết tắt của Europay, MasterCard, Visa, là ba tổ chức đã phát triển và thiết lập EMV thành tiêu chuẩn toàn cầu cho các giao dịch tín dụng và ghi nợ dựa trên công nghệ chip.
EMV được biết đến như là chuẩn mực thẻ chip của châu Âu, được các "đại gia" về thẻ trên thế giới như Visa, MasterCard, JCB, Union Pay thừa nhận và triển khai trong hệ thống của mình.
Các loại thẻ chip
Hiện tại, phụ thuộc vào công nghệ chip được gắn trong các thẻ, có thể chia thành 2 loại thẻ chip cơ bản: thẻ có tiếp xúc và thẻ không tiếp xúc.
Thẻ chip có tiếp xúc
Là loại thẻ chip mà muốn ghi, xóa hoặc truy xuất dữ liệu trên thẻ thì thẻ phải có tiếp xúc vật lý giữa thẻ và thiết bị đọc thẻ, tức là thẻ phải được đặt vào khe thẻ trên đầu đọc thẻ.
Ưu điểm loại thẻ này là độ bảo mật tốt hơn loại thẻ chip không tiếp xúc nhưng thao tác chậm.
Thẻ chip không tiếp xúc
Là loại thẻ chip có gắn một ăng-ten chạy ẩn vòng quanh thân thẻ, cho phép chip có thể giao tiếp được với đầu đọc thẻ trong phạm vi đọc thẻ (khoảng từ 2-10 cm) thay vì phải nạp vào thiết bị đọc thẻ.
Nhờ tính năng không tiếp xúc, thẻ chip không tiếp xúc được sử dụng đáp ứng các nhu cầu về tiện lợi và nhanh chóng. Tốc độ xử lý của thẻ không tiếp xúc là cao hơn so với các thẻ tiếp xúc. Vì vậy, thẻ không tiếp xúc thường được ứng dụng tại những nơi cần phải xử lý nhanh…
Bảo mật
Thẻ chip với công nghệ bảo mật hiện đại sẽ trở nên gần như an toàn tuyệt đối. Chuẩn EMV giúp tối đa hoá an ninh và khả năng tương tác toàn cầu để các dòng thẻ quốc tế được chấp nhận trên khắp thế giới.
Theo phân tích của "đại gia" thẻ Visa, thẻ chip với công nghệ gắn microchip, khi được kết hợp với số nhận dạng cá nhân (PIN) đã trở thành giải pháp chống giả mạo, gian lận khi thẻ bị thất lạc hoặc bị đánh cắp. Công nghệ của thẻ chip cũng ngăn không cho thẻ bị làm giả cộng với yếu tố mã PIN xác nhận chủ sở hữu duy nhất.
Khi được sử dụng tại một điểm giao dịch bán hàng, tin nhắn xác nhận giao dịch được gửi tới để xác nhận sẽ không chứa bất kỳ dữ liệu nào có thể bị sử dụng để giả mạo chip hoặc thực hiện giao dịch trái phép bằng cách dùng lại những dữ liệu thu được từ giao dịch trước.
Đặc biệt, đối với các du khách trên thế giới, khi du lịch đó đây, việc phải thanh toán nhiều nơi, nhiều điểm là tất yếu. Và trong trường hợp chủ thẻ được tổ chức phát hành cài đặt là "thẻ ưu tiên sử dụng PIN" thì luôn luôn phải sử dụng mã PIN khi thanh toán nhằm xác minh chủ giao dịch thực sự. Nhờ đó, tính an toàn trở nên vượt trội so với các hình thức thanh toán không tiền mặt khác.
Như vậy, việc thay thế thẻ từ bằng thẻ chíp EMV sẽ đảm bảo an toàn hơn cho chủ thẻ, tránh những hoạt động giả mạo gây thiệt hại cho khách hàng và ngân hàng.
Những ứng dụng hữu ích tích hợp với thẻ chip
Việc gắn chíp cho thẻ ATM cũng giúp thẻ có thể lưu trữ được một lượng thông tin lớn của chủ sở hữu. Chính vì lẽ đó mà tính ứng dụng của thẻ chíp sẽ được mở rộng hơn, như hỗ trợ thanh toán trong giao thông, thành phố thông minh, trạm thu phí tự động và trạm thu phí đỗ xe và các thanh toán giá trị thấp tại các đơn vị bán lẻ… gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết thêm, thẻ công nghệ chip nội địa với chuẩn EMV được triển khai còn cho phép lưu trữ dữ liệu rất lớn về thông tin cá nhân người dùng, như thông tin bảo hiểm, y tế, giao thông… Thực tế, một số nước đã tích hợp đa ứng dụng trên con chip.
Singapore một quốc gia đã áp dụng tiêu chuẩn EMV Dual Interface và bắt đầu phát hành vào năm 2017. Ngày 20/3/2017, MasterCard triển khai thử nghiệm thẻ EMV Dual Interface trên các tuyến xe bus và MRT, số liệu ghi nhận tới 30/11/2018 có xấp xỉ 26.000.000 lượt chuyến sử dụng thẻ chip, trung bình 50.000 chuyến/ngày. Nhờ tích hợp khả năng thanh toán ngân hàng và thanh toán giao thông trên cùng 1 thẻ chip nên rất tiết kiệm chi phí.
Một số quốc gia như Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc… đã rất thành công trong xây dựng mô hình National Common Mobility Card (NCMC) để thanh toán trong giao thông cũng như trong bán lẻ. Sản phẩm thẻ tích hợp thẻ EMV Open Loop với hình thức store - valued (thẻ nhựa được mã hóa với giá trị bằng tiền trên một dải từ tính)
VietinBank là một trong những ngân hàng đi đầu về triển khai thẻ chip. Chia sẻ về những kỳ vọng trong việc ứng dụng thẻ chip trong tương lai, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank, cho biết trong tương lai thẻ ngân hàng công nghệ chíp có thể được tận dụng làm thẻ học sinh, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ bệnh viện... Đây là xu hướng trong kỷ nguyên mới khi chúng ta tận dụng nguồn tài nguyên lớn này.
"Để làm được cần sự trao đổi, đồng bộ, chuẩn hóa thông tin của các bộ, ban, ngành. Ngân hàng đã đi bước đầu là phát hành thẻ chip, từ đó cần để thẻ được dùng nhiều hơn, không chỉ thanh toán trong lĩnh vực ngân hàng", ông Lân nói.
Một số lưu ý để sử dụng an toàn
Đối với người dùng, các kỹ năng sử dụng an toàn trong thanh toán bằng thẻ là vô cùng quan trong để bảo đảm cho tài khoản và thông tin thẻ không bị kẻ gian khai thác, gây thiệt hại. Sau đây là một số nguyên tắc để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
1. Người dùng không nên ghi mật khẩu (mã PIN) ra giấy, sổ tay hoặc lưu trên điện thoại di động, tiết lộ mật khẩu hay cho người khác mượn thẻ. Không nên đặt mật khẩu bằng các số dễ đoán như ngày sinh, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, biển số xe…
2. Khi rút tiền, người sử dụng phải dùng tay che chắn để tránh lộ mã PIN, sau khi rút tiền xong, khách hàng nên kiểm tra đã lấy thẻ và tiền chưa, chờ thông báo kết quả giao dịch hoàn tất trước khi rời đi.
3. Trong lúc mua sắm, thanh toán tiền bằng thẻ tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng… cần phải chú ý quan sát người cầm thẻ (nhân viên thu ngân), tránh thông tin bị đánh cắp.
4. Chủ thẻ nên sử dụng dịch vụ báo giao dịch tự động và thông báo số dư tài khoản qua tin nhắn để nắm được các phát sinh giao dịch của mình, phát hiện những phát sinh giao dịch đáng ngờ để kịp thời xử lý.
5. Trong một số trường hợp không may xảy ra rủi ro mất tiền trong tài khoản thẻ mà chưa rõ nguyên nhân, người sử dụng nên liên hệ ngày với ngân hàng phát hành yêu cầu khóa thẻ và phối hợp với ngân hàng cung cấp các giấy tờ liên quan để các đơn vị chức năng hướng dẫn và hỗ trợ giải quyết.