Thêm giải pháp thúc đẩy thanh toán số
Tiện lợi và nhiều ưu đãi, người trẻ ngày càng thích thanh toán bằng ngân hàng số | |
Thanh toán qua QR vươn ra thế giới |
Visa cùng các ngân hàng ACB, Sacombank, Shinhan Bank, Techcombank, TPBank, Vietcombank và VPBank hợp tác triển khai tính năng thanh toán qua ứng dụng ví điện tử Google Wallet cho chủ thẻ Visa tại Việt Nam. Với sự hợp tác này, người dùng các thiết bị trên hệ điều hành Android và Wear OS sẽ có thể trải nghiệm thanh toán số an toàn và tiện lợi chỉ với một chạm trên thiết bị thông minh của họ.
Là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam cho phép khách hàng tích hợp cả hai loại thẻ tín dụng và ghi nợ quốc tế Mastercard & Visa trên ứng dụng Google Wallet, đại diện VPBank cho biết, với mục tiêu luôn đặt nhu cầu của khách hàng làm trọng tâm, VPBank hy vọng việc ra mắt Google Wallet cho các thẻ thanh toán của VPBank sẽ mang tới cho khách hàng thêm một giải pháp thanh toán mới an toàn, đơn giản và nhanh chóng.
Ảnh minh họa |
Đại diện Sacombank cũng cho biết, ngân hàng đã kết nối với ứng dụng Google Wallet nhằm đa dạng thêm phương thức thanh toán cho chủ thẻ Sacombank Visa. Theo đó, khách hàng sử dụng điện thoại thông minh hệ điều hành Android khi muốn thanh toán chỉ cần “chạm” vào máy POS đặt tại các điểm chấp nhận thanh toán và các giao dịch qua website/ứng dụng hỗ trợ thanh toán qua Google Pay.
Tại Vietcombank, để gia tăng lợi ích cho khách hàng trong lần đầu trải nghiệm dịch vụ thanh toán qua Google Wallet, ngân hàng còn dành tặng ưu đãi cho khách hàng qua chương trình “Chạm đẳng cấp, tiêu sành điệu”. Theo đó, chủ thẻ Vietcombank Visa, bao gồm thẻ tín dụng quốc tế, ghi nợ quốc tế sẽ được hoàn 50.000 đồng khi thanh toán từ 100.000 đồng qua Google Pay gắn thẻ Vietcombank Visa trên Google Wallet, ưu đãi áp dụng đến hết 15/5/2023.
Các chuyên gia nhận định, việc ra mắt Google Wallet tại Việt Nam sẽ giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn thanh toán hơn, đặc biệt là tăng khả năng tiếp cận với các phương thức thanh toán kỹ thuật số phù hợp với nhu cầu và lối sống đang thay đổi từng ngày. Thanh toán số tại Việt Nam được đánh giá đang trong giai đoạn bùng nổ với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng với sự góp phần rất lớn từ phía ngân hàng. Các ngân hàng đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại, an toàn, tiện lợi như ứng dụng Tokenization, thanh toán di động, sử dụng mã QR code, định danh điện tử eKYC... trong hoạt động thanh toán. Hiện đã có 82 TCTD triển khai thanh toán qua internet và 51 TCTD triển khai thanh toán qua Mobile, hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. 68% người trưởng thành ở Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng; hơn 1,77 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money; nhiều ngân hàng đã có các giao dịch của khách hàng trên kênh số đạt trên 90%, 100% nghiệp vụ thanh toán được số hóa… tạo nên những tiền đề quan trọng để thúc đẩy TTKDTM ngày càng phát triển.
Theo báo cáo Chỉ số Thanh toán Mới của Mastercard năm 2022, trong năm vừa qua, 94% người tiêu dùng tại Việt Nam đã sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán kỹ thuật số và 60% trong số đó sử dụng ví điện tử bằng thao tác chạm trên điện thoại thông minh; 77% người được hỏi cho biết sẽ sử dụng ví điện tử trên điện thoại thông minh thường xuyên hơn trong năm tới.
Theo TS. Nguyễn Thị Minh Hạnh - Trường Đại học Thương mại, ví điện tử ngày càng trở thành một hình thức thanh toán quen thuộc của người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ. Cùng với đó, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh tăng lên đáng kể, cơ hội gia tăng số lượng người dùng ví điện tử trong tương lai rất lớn. Ngoài các thành phố lớn, trong những năm gần đây với sự phát triển của khu vực nông thôn thì việc sử dụng điện thoại, internet hay các phương tiện thanh toán hiện đại cũng được nhiều người quan tâm. Thói quen mua hàng và thanh toán online cũng đã được hình thành khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Đây là những cơ hội thúc đẩy sự phát triển của ví điện tử trong thời gian tới.
Để nắm bắt cơ hội này, các chuyên gia cho rằng, cần phải giải tỏa băn khoăn lớn nhất của người dùng khi chuyển sang thanh toán số hiện nay là tính an toàn, bảo mật của các hình thức thanh toán. Lĩnh vực tài chính – ngân hàng luôn là “tâm điểm” của các hacker, chính vì vậy, các đơn vị cung cấp dịch vụ, ngân hàng cần tiếp tục cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống các sản phẩm, dịch vụ thanh toán. Đồng thời, tăng cường sự giám sát của cợ quan quản lý, sự phối hợp giữa ngân hàng với các đơn vị liên quan.
Về phía NHNN, TS. Nguyễn Thị Minh Hạnh cho rằng, phải có sự hài hòa giữa các chính sách khuyến khích phát triển Fintech và chính sách quản lý, giám sát các dịch vụ tài chính hiện đại. Theo đó, cần tăng cường quy định về bảo mật và minh bạch thông tin tại các định chế tài chính; phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động thanh toán. Trên cơ sở đó, kiểm soát rủi ro pháp lý thích hợp và đảm bảo phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Chuyên gia cũng khuyến nghị NHNN sớm hoàn thiện các quy định về sử dụng cũng như cung ứng các dịch vụ thanh toán di động, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán của các tổ chức không phải ngân hàng; Tránh để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thâu tóm thị phần của các tổ chức cung cấp ví điện tử.