Thêm hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khó
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm một vị thế quan trọng trong phát triển nền kinh tế |
Tạo cơ hội để vượt thách thức
Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm một vị thế quan trọng trong phát triển nền kinh tế. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp nước ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm trên 97% số doanh nghiệp cả nước, giải quyết việc làm khoảng 36% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, thu hút khoảng 32% tổng nguồn vốn, tạo ra doanh thu thuần chiếm khoảng 26% tổng doanh thu thuần của khối doanh nghiệp, đóng góp hơn 40% GDP.
Tuy nhiên, mặc cho nền kinh tế đang có bước phục hồi nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang ngày đêm thấp thỏm trong khó khăn.
Đại diện một số doanh nghiệp nhỏ và vừa phản ánh, sau hơn 2 năm chống chọi với đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp đã khó khăn nay lại chồng chất khó bởi đứt gãy chuỗi cung ứng, mất đối tác, hàng tồn kho, chậm tiêu thụ.
Việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến dòng tiền trong khi nguồn lực của doanh nghiệp dần cạn kiệt. Bên cạnh đó, những rào cản, sự chồng chéo, bất cập về quy định của cơ quan chức năng khiến doanh nghiệp càng bị động và bất lợi hơn.
Trước yêu cầu tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, phục hồi nhanh và bền vững, nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được triển khai.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, vừa qua, một số địa phương đã triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đơn cử, tại tỉnh Kon Tum, Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Kế hoạch xác định một số nhiệm vụ như cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người quản lý, cán bộ pháp chế của doanh nghiệp; tổ chức các chương trình bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hiệu quả trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức các hội nghị đối thoại về các chuyên đề pháp lý chuyên sâu giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hiệp hội, hội doanh nghiệp, chuyên gia, người quản lý, điều hành, người phụ trách công tác pháp chế của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Không chỉ là pháp lý, tỉnh Vĩnh Phúc còn triển khai Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo 4 nội dung chính gồm nhóm hỗ trợ chính sách chung về thông tin, pháp lý, tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, thuế, kế toán, phát triển công nghệ, nguồn nhận lực…; hỗ trợ doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị. Riêng trong năm 2023, tỉnh đã dành hơn 53 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tỉnh Đồng Tháp còn hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp; Hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 5 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp.
Nhiều địa phương quan tâm tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Ảnh: Nhật Nam) |
Thích ứng để chủ động hơn
Khi đã có chính sách hỗ trợ và thị trưởng rộng mở thì rất cần sự năng động, chủ động từ phía doanh nghiệp, để nắm bắt cơ hội vượt qua khó khăn. Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho rằng, mỗi đơn vị cũng phải xác định rõ mục tiêu, biết cách xây dựng thương hiệu cũng như có chiến lược phù hợp bên cạnh việc tìm hiểu rõ, tận dụng tốt những trợ giúp từ các cấp, ngành.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao năng lực quản trị, có tầm nhìn và đánh giá đúng về xu hướng thị trường; tiết giảm chi phí bên cạnh việc chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường mới, gia tăng kết quả sản xuất, kinh doanh. Việc chủ động tìm kiếm, hợp tác với đối tác nước ngoài cũng là một gợi ý đáng quan tâm nhằm tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quốc tế, với độ mở và năng lực cạnh tranh rất cao.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, theo các chuyên gia, so với nhiều nước trong khu vực, sức ép của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam lớn hơn nên doanh nghiệp cần chủ động đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững; ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của nhau, tìm kiếm thông tin, cơ hội đầu tư, góp vốn sản xuất... để đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mới của thị trường, đạt trình độ phát triển cao trong khu vực.
Về phía doanh nghiệp, mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng tích cực tạo các cuộc gặp giữa các doanh nghiệp với các đơn vị có nhu cầu mua hàng trong và ngoài nước thông qua các diễn đàn theo từng chủ đề. Hỗ trợ các doanh nghiệp chi phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước và ngoài nước để tiếp cận khách hàng. Kích thích tiêu dùng thông qua việc xem xét tính hợp lý của các mức thuế và phí, có giải pháp nhằm hỗ trợ yếu tố gốc rễ của nền kinh tế là tiêu dùng cá nhân.