Thí điểm xây dựng tuyến phố ATTP có kiểm soát tại Hà Nội: Quyết tâm triển khai, nhân rộng
An toàn thực phẩm: Cần tăng cường giám sát, xử lí vi phạm | |
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Kiên quyết tránh kiểu “đánh trống bỏ dùi” | |
Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm |
Nhiều khó khăn
Hà Nội là một trong những địa phương thí điểm triển khai mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm (ATTP) có kiểm soát. Sau hơn 1 năm thực hiện cho thấy, còn quá nhiều rào cản trong việc thực thi và nhân rộng mô hình này.
Đan Phượng là đơn vị cấp huyện duy nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội được lựa chọn thí điểm triển khai tuyến phố ATTP có kiểm soát năm 2018. Thực tế là thị trấn Phùng chỉ có 4 phố, các cơ sở ăn uống không nhiều, và tuyến phố Tây Sơn được huyện lựa chọn để thí điểm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Luận - Phó trưởng phòng Y tế huyện Đan Phượng cho biết, việc triển khai tại huyện cũng gặp nhiều vướng mắc do các cơ sở hoạt động nhỏ lẻ.
Trong năm 2019, Hà Nội sẽ triển khai thêm 14 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát ở nội thành |
Còn đại diện quận Hà Đông cho biết, UBND quận đã lựa chọn một tuyến phố đáp ứng các tiêu chí để xây dựng thí điểm nằm trên địa bàn phường Mộ Lao và trong quá trình triển khai, lực lượng thực thi nhiệm vụ cũng đã gặp không ít khó khăn. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn chủ yếu là thuê nhà nên việc sửa chữa cơ sở vật chất để bảo đảm các phân khu riêng theo quy định có nhiều trở ngại. Nhân viên phục vụ trong các cơ sở này chủ yếu là hợp đồng thời vụ, thường xuyên có sự thay đổi nên việc khám sức khỏe, xác nhận kiến thức về ATTP cho các nhân viên chưa đầy đủ và kịp thời. Về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, nhiều cửa hàng ăn uống quy mô nhỏ và các cơ sở cà phê, giải khát chưa quan tâm thực hiện...
Năm 2017, UBND TP Hà Nội chỉ đạo 2 đơn vị xây dựng điểm tuyến phố ATTP có kiểm soát nhưng chỉ có 1 đơn vị xây dựng thành công tại phố Thượng Đình (quận Thanh Xuân). Năm 2018, thành phố xây dựng thêm 8 tuyến phố tại các quận, huyện. Tháng 1/2019, Sở Y tế Hà Nội kết hợp với Sở Y tế 21 tỉnh, thành phố cùng chuyên gia của Bộ Y tế tổ chức đánh giá hiệu quả của các tuyến phố này. Ông Trần Ngọc Tụ - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thừa nhận, việc triển khai thực hiện là không dễ khi phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được việc cải thiện điều kiện cơ sở vật chất.
Cần có giải pháp để nhân rộng
Tuy nhiên, việc triển khai thí điểm Tuyến phố ATTP cũng đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Tuyến phố Duy Tân tại phường Dịch Vọng Hậu sau 4 tháng triển khai đã được gắn biển Tuyến phố ATTP có kiểm soát. Ghi nhận của cơ quan chức năng, sau khi được gắn biển, ý thức của người kinh doanh thực phẩm đã thay đổi đáng kể. Các hộ kinh doanh, cửa hàng ăn uống tại đây đã phân tách các khu chế biến, khu bảo quản thực phẩm chín, sống. Thói quen ghi chép quá trình nhập nguyên liệu, chế biến thực phẩm và sau chế biến cũng đã thay đổi tích cực. Việc niêm yết công khai nguồn gốc các nguyên liệu dùng chế biến thức ăn, thực phẩm tại cửa hàng cũng được thực hiện thường xuyên và liên tục.
Theo các chuyên gia, ATTP là vấn đề đã, đang và sẽ luôn nóng. Do đó, những kết quả mang lại mới là bước đầu. Và dù nhiều khó khăn, nhưng việc thí điểm triển khai và nhân rộng mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát trên toàn thành phố sẽ góp phần quan trọng đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống đi vào nền nếp, và người tiêu dùng cũng sẽ yên tâm và tin tưởng hơn khi sử dụng dịch vụ.
Năm 2019, Hà Nội tổ chức thêm 6 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo ATTP có kiểm soát. Ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, trong giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai từ các tuyến phố ATTP có kiểm soát trên địa bàn cấp quận, Ban Chỉ đạo Trung ương và thành phố sẽ tham mưu xây dựng mô hình điểm, tập trung vào cơ sở dịch vụ ăn uống tại tuyến phố, đặc biệt ở khu vực nội thành để nâng cao công tác bảo đảm ATTP.
“Chúng tôi cũng quán triệt với các chủ cơ sở rằng, những cơ sở đã được công nhận là cơ sở ATTP có kiểm soát không có nghĩa là không bị kiểm tra, giám sát. Nếu có vi phạm thì sẽ bị xử phạt, thậm chí là phạt nặng”, bà Trần Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho biết.
Bà Hương cũng đề nghị cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương; hỗ trợ hạ tầng cho các cơ sở; hỗ trợ thêm nhân lực… “Năm 2019, UBND phường tiếp tục duy trì ATTP có kiểm soát tại phố Duy Tân và tuyến phố Trần Nhân Tông. Để việc triển khai và nhân rộng mô hình thực sự có hiệu quả, cần sự nỗ lực và trách nhiệm của cả 3 bên: Cơ quan quản lý, các hộ kinh doanh và người tiêu dùng”, bà Thu Hương nhấn mạnh.