An toàn thực phẩm: Cần tăng cường giám sát, xử lí vi phạm
Phạt hơn 2 tỷ đồng trong tháng cao điểm
Mục đích của đoàn kiểm tra để nắm tình hình đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2019. Đồng thời triển khai các biện pháp quản lý ATTP và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm trên địa bàn Hà Nội.
Đoàn đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP tại một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, tập trung các nhóm ngành hàng do Bộ Công thương quản lý như rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột và các mặt hàng thực phẩm khác…
Kiểm tra ATTP cần thực hiện liên tục
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội thông tin kết quả mà Hà Nội đạt được trong công tác đảm bảo ATTP trong 4 tháng đầu năm và đặc biệt trong tháng hành động vì ATTP.
Theo đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2019; thành lập 4 đoàn thanh tra và 1 đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP. Kết quả báo cáo cho thấy, đến nay, các đoàn đã kiểm tra 3.218 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt 2.651 cơ sở chiếm tỷ lệ 82,4%. Tổng số cơ sở vi phạm: 567 cơ sở, trong đó có 50 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền phạt là 660.892.625 đồng.
Đối với tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn: 30/30 quận, huyện, thị xã và 584/584 xã, phường, thị trấn đã xây dựng và tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch "Tháng hành động vì ATTP" trên địa bàn, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Theo đó các đoàn liên ngành quận, huyện, thị xã cũng đã kiểm tra được 3.186 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt 2.673, chiếm tỷ lệ 83,9%. Số cơ sở vi phạm là 513 cơ sở và 375 cơ sở vi phạm hành chính, phạt tiền 1.540.216.000 đồng. Số cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm là 82 cơ sở, số sản phẩm bị tiêu hủy: Gia cầm lông: 9 con (21kg), 5kg sản phẩm gia cẩm; 20 con gà; 23 lọ sốt cà chua; 10kg giò; 44kg cá đông lạnh; 8kg thịt bò Mỹ đông lạnh; 20kg thịt lợn, số cơ sở bị đóng cửa là: 11 cơ sở, nhắc nhở 657 cơ sở.
Kiểm tra ATTP phải theo tuyến
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, năm 2019, lực lượng QLTT tập trung vào 2 lĩnh vực thanh kiểm tra chính là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ và ATTP. Lực lượng QLTT định hướng triển khai nhiệm vụ ATTP là công tác QLTT phải tham gia sâu, đặc biệt theo tuyến với sự tham gia của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương, địa phương, Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố…
Ông Lê Đắc Lộc, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, hiện nay, Cục QLTT Hà Nội giao mỗi đội phải kiểm tra 2 vụ việc ATTP trong tuần, 30 đội là 60 vụ mỗi tuần. Công tác kiểm tra này được lực lượng thực hiện liên tục cùng với Sở Công thương và các cơ quan chức năng có liên quan, không chỉ riêng trong tháng cao điểm.
Nhờ đó, những năm gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm đã có chiều hướng đi vào nề nếp, sản phẩm cơ bản đã đạt được quy chuẩn, chất lượng nâng cao. Chính vì thế, theo ông Lộc, hiện nay cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và phải đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ doanh nghiệp sản xuất đến người tiêu dùng.
Đại diện lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an TP. Hà Nội cũng cho biết, thời gian qua, lực lượng cảnh sát môi trường cùng các phòng ban liên quan liên tục yêu cầu các quận, huyện có báo cáo về công tác đấu tranh phòng ngừa về ATTP, báo cáo hàng tuần, hàng tháng.
Đặc biệt, riêng địa bàn Hà Nội, lực lượng Cảnh sát môi trường yêu cầu có báo cáo của từng quận, huyện về các hộ kinh doanh ăn uống đường phố - một trong những điểm nóng về ATTP. Từ đó, thường xuyên tăng cường giám sát, xử phạt những hành vi vi phạm.
Công tác phối hợp với lực lượng chức năng như Cảnh sát kinh tế, Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT), QLTT... kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh và bắt giữ hàng hóa nhập lậu vận chuyển từ các tỉnh biên giới về địa bàn Hà Nội. Mới đây nhất, Đội 6 phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố) đã phối hợp đội Cảnh sát giao thông số 15 và đội QLTT số 17, Cục QLTT Hà Nội đã phát hiện vụ vận chuyển hơn 3,5 tấn bánh kẹo và 2 tấn đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là phần lớn các lực lượng chức năng đều đang vướng mắc trong vấn đề thiếu kho bãi lưu trữ và đặc biệt là kinh phí để giám định các sản phẩm thực phẩm. Trong khi đó, theo điểm mới của Nghị định 15, doanh nghiệp tự công bố các quy chuẩn kỹ thuật, vì thế khi hậu kiểm để xác định được các chỉ tiêu kiểm nghiệm là rất khó, lực lượng chức năng thiếu một quy chuẩn chung nhất định để áp dụng. Như vậy, dù quy định mở nhưng vẫn gây kẽ hở cho công tác quản lý.