Thị trường lao động ổn định: Tín hiệu vui cho doanh nghiệp sau kỳ nghỉ Tết
Thị trường lao động ổn định để phục hồi |
Tỷ lệ "nhảy việc" sau Tết thấp
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết Giáp Thìn của các doanh nghiệp cao hơn nhiều so với các năm trước; tình trạng công nhân nhảy việc giảm đáng kể. Đây là tín hiệu tốt, phản ánh chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp đã khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc Bộ phận tuyển dụng và đào tạo, Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác tòa nhà VNPT cũng đánh giá, tình trạng người lao động "nhảy việc", luân chuyển sang các doanh nghiệp khác của đơn vị năm nay rất ít, sự thay đổi nhân sự so với cuối năm 2023 chỉ khoảng 5%, trong khi so với cùng kỳ năm trước từ 15-20%. Điều này đến từ việc mỗi doanh nghiệp hiện nay đều xác định rõ chú trọng đến môi trường làm việc và đảm bảo mọi quyền lợi đối với người lao động, tính an toàn với người lao động cũng ngày càng được ưu tiên.
Tương tự, ông Vũ Quang Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Quang Nam (Hưng Yên) cho biết, ngay từ những ngày đầu xuân mới, không khí làm việc khẩn trương ở hầu hết các bộ phận, dây chuyền sản xuất. Ngay ngày khai xuân, công ty có trên 95% số người lao động trở lại làm việc. Không xảy ra thiếu hụt lao động sau Tết đã giúp doanh nghiệp có khởi đầu thuận lợi, thực hiện sớm những kế hoạch sản xuất trong năm mới. Để tạo khí thế làm việc phấn khởi, động viên người lao động tích cực làm việc ngay sau kỳ nghỉ Tết, trong ngày khai xuân, công ty tổ chức gặp mặt đầu xuân, lì xì, bốc thăm trúng thưởng cho công nhân. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục phát triển và chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động.
Anh Nguyễn Mạnh Chiến, một lao động tự do chia sẻ, trước đây, anh từng 4 năm làm công nhân may giày da rồi nghỉ việc giữa lúc dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng nhất. Sau khi đi làm lại, anh cảm thấy bấp bênh, không được chăm lo sức khỏe, bảo hiểm nên muốn trở thành nhân viên chính thức, gắn bó lâu dài với một công ty. Hơn nữa tình hình chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay là sản xuất, kinh doanh khó khăn, đơn hàng giảm, thiếu việc nên nhiều lao động như anh muốn ổn định, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp vẫn tốt hơn.
Tiếp tục duy trì đà phục hồi
Các chuyên gia nhận định, nhiều tín hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động hiện nay và trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi khi số người có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm so với đầu năm, nhu cầu tuyển dụng của đa số ngành có xu hướng tăng trưởng. Thị trường lao động ổn định cũng là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế bắt đầu phục hồi và phát triển trở lại.
Thực tế Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã dự báo, thị trường lao động quý I của năm 2024 là 51,7 triệu người có việc làm, tăng 217.000 người so với quý trước. Dự báo 3 ngành nghề có nhu cầu tăng việc làm là sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 1,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%. Những ngành nghề có thể giảm việc làm là in, sao chép bản ghi các loại, giảm 13%; hoạt động xây dựng chuyên dụng giảm 5,4% và sản xuất thiết bị điện, giảm 3,2%.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2024 ngành lao động sẽ tập trung xây dựng thị trường lao động ổn định, linh hoạt, đa chiều, phát triển bền vững; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng thị trường lao động, đặc biệt những ngành nghề mới nổi như chip, bán dẫn, thị trường tín chỉ carbon…
Muốn thị trường lao động ổn định, tiếp tục duy trì đà phục hồi, theo các chuyên gia, doanh nghiệp phải đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện đầy đủ các chính sách, chăm lo về tiền lương, thưởng. Các doanh nghiệp có điều kiện có nghiên cứu một số ưu đãi, hỗ trợ về nhà ở công nhân, nhà ở xã hội để người lao động đã yên tâm an cư lập nghiệp và ngày càng gắn bó hơn với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần theo dõi sát sao tình hình sản xuất, kinh doanh để có giải pháp hỗ trợ, đồng hành hiệu quả với các doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính và tuyển dụng bổ sung nguồn lao động khi doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh.
TS. Phạm Thị Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam còn cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải thay đổi cách tiếp cận về chính sách, an ninh việc làm cho người lao động theo hướng gia tăng các quy định bảo vệ người lao động để tạo sự bình đẳng đối với mọi người và họ có thể dễ dàng dịch chuyển việc làm từ khu vực này sang khu vực khác, từ chính thức sang phi chính thức, từ nhà nước sang tư nhân mà không sợ mất đi sự bảo vệ.