Thị trường thẻ còn nhiều dư địa để phát triển
Phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa Thanh toán thẻ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống |
Góp phần thúc đẩy xu hướng TTKDTM
Đặc biệt, thị trường thẻ Việt Nam những năm qua có tốc độ phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh xu hướng TTKDTM. Tính đến tháng 7 năm 2023, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ (tăng 8,27% so với cuối năm 2021), với hơn 103 triệu thẻ nội địa, 36,7 triệu thẻ quốc tế; trong đó có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành. Hiện cả nước có hơn 100 triệu thẻ đã được phát hành tới người dùng, nhiều hình thức thẻ mới ra đời, tiêu chuẩn bảo mật ngày càng nâng cao. Đặc biệt, các NHTM đã số hoá thẻ ngân hàng để khách hàng không cần cầm thẻ vật lý, tránh rủi ro mất mát, bị lợi dụng cũng được các ngân hàng đẩy mạnh.
Thông tin cụ thể hơn, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, dịch vụ thẻ phát triển đã giúp NHTM có thêm kênh huy động vốn và cung cấp thêm cho khách hàng các dịch vụ giá trị gia tăng với nhiều tiện ích khác nhau. Ngoài rút tiền mặt, chủ thẻ có thể dễ dàng sử dụng thẻ trong các thanh toán hóa đơn điện thoại, internet, trả phí bảo hiểm, chuyển khoản thanh toán… “Quy mô dân số trẻ không ngừng mở rộng cùng với sự phát triển của công nghệ và xu hướng thương mại điện tử ngày càng thịnh hành là những yếu tố cơ bản khiến thị trường thẻ thanh toán ở Việt Nam, cả thẻ tín dụng (credit card) và thẻ ghi nợ (debit card) ngày càng được sử dụng rộng rãi. Bên cạnh sự phát triển đó, các ngân hàng Việt Nam cũng không ngừng quan tâm đến việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật cho khách hàng sử dụng thẻ. Đến nay, 100% thẻ tại Việt Nam đã được phát hành và chấp nhận thanh toán thẻ chip chuẩn EMV nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động thẻ”, ông Tuấn nhận định.
Bên cạnh sự tham gia của các tổ chức thẻ quốc tế vào thị trường Việt Nam, thời gian qua, các tổ chức phát hành thẻ tại Việt Nam cũng đã nghiên cứu phát triển, cung ứng các sản phẩm thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam. Tại Agribank, bà Phan Thị Thanh Hà, Quyền Giám đốc Trung tâm thẻ Agribank chia sẻ, ngân hàng luôn tích cực nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dịch vụ, chức năng tiện ích mới trong thanh toán sử dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng như: mở tài khoản trực tuyến eKYC, thẻ phi vật lý, thẻ chip không tiếp xúc, mã PIN điện tử, thanh toán vé xe buýt VinBus, chuyển tiền liên ngân hàng, rút tiền tại ATM bằng mã VietQR...
Đơn cử như sản phẩm thẻ Lộc Việt, với công nghệ thanh toán vượt trội, tích hợp hai ứng dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trên cùng 1 con chip theo chuẩn VCCS, không chỉ đem đến sự tiện lợi, an toàn mà đây còn là sản phẩm cung cấp công cụ tài chính giúp khách hàng tiếp cận được nguồn vốn chính thức với giá cả hợp lý.
Toàn cảnh hội thảo |
Khai thác tối đa dư địa để phát triển
Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, các giải pháp từ cơ chế chính sách, kỹ thuật, kinh tế đã cơ bản đầy đủ để khuyến khích phát triển thanh toán thẻ nói riêng và TTKDTM nói chung. Tuy nhiên, các TCTD cần phải đạt được mục tiêu “tiện và lợi” cho người dân trong việc sử dụng thẻ. "Vì dù có làm gì thì người dân cũng phải thấy tiện dụng, dễ dùng và tiếp đó phải thấy có lợi ích về kinh tế, bên cạnh đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thì mới dùng", Phó Thống đốc lưu ý.
Việt Nam được đánh giá có nhiều điều kiện để phát triển TTKDTM. Tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Hiện nay, thị trường đang hình thành hệ sinh thái số, kết nối liên thông giữa ngân hàng, tổ chức liên kết dịch vụ công, tạo nên trải nghiệm liền mạch cho người tiêu dùng. Trong đó, thị trường thẻ Việt Nam, nhất là thẻ tín dụng nội địa vẫn được các chuyên gia đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển. Việc phát triển thẻ tín dụng nội địa theo nhận định của ông Phạm Anh Tuấn góp phần thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện, thúc đẩy TTKDTM; giúp xã hội giảm bớt các vấn đề của tín dụng đen, giảm chi phí phải trả cho tổ chức thẻ nước ngoài…; đồng thời giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên, đặc biệt là cung cấp thêm lựa chọn thanh toán cho thị trường với chi phí chấp nhận thanh toán có thể rẻ hơn cho đơn vị chấp nhận thẻ.
Theo ông Tuấn, để hoàn thành mục tiêu tiến tới một xã hội không tiền mặt cần có sự quan tâm đầu tư của tổ chức phát hành thẻ và sự chung tay hợp tác của các đơn vị liên quan. Cụ thể, cơ quan quản lý cần tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động TTKDTM nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ để khuyến khích phát triển các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán. Bên cạnh đó, chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; hệ thống thanh toán của các ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến; Tiếp tục ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như: thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc, ví điện tử.
Gợi ý giải pháp phát triển thị trường thẻ trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, hiện tại, nhu cầu thị trường rất lớn, vấn đề quan trọng bây giờ làm sao là thúc đẩy truyền thông chính sách cho người dân nắm bắt, sử dụng TTKDTM hiệu quả nhất. Về góc độ chính sách, ông Hùng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Dự thảo nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy thị trường thẻ phát triển.