Thị trường tín chỉ carbon: Cơ hội đi cùng thách thức
Tín chỉ carbon giúp doanh nghiệp giữ vững thị trường xuất khẩu Việt Nam thu hơn 1.000 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon |
Điều này được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, cần phân tích tác động đa chiều của CBAM để tận dụng các lợi thế, phát triển các sáng kiến nhằm tăng tốc lộ trình đạt mục tiêu trung hòa carbon cho Việt Nam nói chung, cũng như TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
GS.TS. Sử Đình Thành - Giám đốc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) cho biết, với những doanh nghiệp không thể bù đắp chi phí sản xuất tăng thêm do hạn ngạch hoặc những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU phải tốn thêm chi phí có thể sẽ phải thu hẹp sản xuất, giảm việc làm và giảm nguồn thu. Điều này có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của thành phố trong ngắn hạn. Chính vì thế, TP. Hồ Chí Minh cần phải dự đoán được những tác động tiêu cực để có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách về phí và lệ phí môi trường nhằm hài hòa mục tiêu môi trường và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cần nâng cao hiểu biết về tác động của thị trường carbon đối với doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung giúp cơ quan chức năng có cách thức quản lý và điều tiết hợp lý để thị trường hoạt động có hiệu quả.
Tại TP. Hồ Chí Minh, thị trường carbon mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội khi được áp dụng cơ chế đặc thù thí điểm theo tinh thần Nghị quyết 98/2023/NQ15 cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện việc giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Việc triển khai thị trường carbon vào năm 2028 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho TP. Hồ Chí Minh, nhất là đối với vấn đề giảm phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, thị trường carbon sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, tạo động lực cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, từ đó góp phần gia tăng năng suất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, gia tăng thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, thu hút nguồn tài chính khí hậu quốc tế… từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và tạo nhiều việc làm mới. Đặc biệt, việc tham gia vào thị trường carbon quốc tế sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh nâng cao vị thế quốc tế trong nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu.
Hiện, TP. Hồ Chí Minh có 140 doanh nghiệp phải tiến hành kiểm kê khí nhà kính, trong đó có 106 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất. Con số này có thể sẽ tiếp tục tăng lên khi danh mục được Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ.
Dự báo sắp tới, hạn ngạch của thị trường carbon sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế, việc làm, cũng như đầu tư trong ngắn hạn. Vì vậy, chính quyền TP. Hồ Chí Minh và cơ quan quản lý chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có cơ chế, chính sách phí và lệ phí môi trường hợp lý, đảm bảo không tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh của hạn ngạch. Song, vẫn đảm bảo mục tiêu về giảm phát thải thông qua việc tính toán mức chi phí tăng thêm mà doanh nghiệp phải chịu khi thị trường hạn ngạch carbon đi vào hoạt động chính thức trong thời gian tới.