Tín chỉ carbon giúp doanh nghiệp giữ vững thị trường xuất khẩu
Hướng tới thị trường xuất khẩu bền vững Đưa sản phẩm Việt vào thị trường xuất khẩu mới Xuất khẩu rau quả sẽ cán đích 5 tỷ USD |
Trong 8 tháng đầu năm, ngành dệt may đã xuất khẩu 26,3 tỷ USD, riêng tháng 8 xuất khẩu 3,6 tỷ USD. Tuy nhiên con số xuất khẩu của tháng 8 giảm 6% so với tháng 7 và giảm 21,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định về nguyên nhân sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong tháng 8 và nhiều khả năng tiếp tục giảm sâu trong tháng 9 này, các chuyên gia cho rằng năm 2023, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi các yếu tố như lạm phát, bất ổn chính trị dẫn đến kìm hãm chi tiêu tiêu dùng. Hơn thế, trong cam kết của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA đã yêu cầu về sản xuất và tiêu dùng xanh, tái chế... và đây là những yêu cầu mà nhiều nhãn hàng đòi hỏi nhà sản xuất Việt phải thích ứng.
Việc hình thành thị trường carbon trong nước giúp doanh nghiệp nắm bắt được những cơ hội trong giảm phát thải carbon một cách hiệu quả |
Thực tế, ngành dệt may đã chịu nhiều áp lực của thị trường xuất khẩu như các vấn đề liên quan đến sản xuất xanh, bền vững, khí thải, rác thải, môi trường làm việc, chứng chỉ an toàn về sản phẩm dệt may vào thị trường toàn cầu. Đặc biệt, EU đưa ra rất nhiều chứng chỉ, tiếp đó là thị trường Mỹ trong khi hiện số doanh nghiệp đầu tư hệ thống sản xuất xanh còn rất ít. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu của ngành dệt may thì lớn nhất là Mỹ (chiếm 44%), thứ hai là EU (chiếm 19%).
“Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may đã tập trung hơn vào việc đa dạng hóa thị trường, đưa công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư vào hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái, xử lý nước, tiết kiệm nước, môi trường xanh (chỉ số LEED), giảm phát thải khí cacbon… Đây là những chỉ số mà các nước EU, Mỹ đã công nhận và sẽ ưu tiên hơn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khi có được những chứng nhận này”, ông Giang phân tích.
Giải thích về thông tin những nhãn hàng lớn giảm đơn hàng từ Việt Nam trong mấy tháng qua, ông Đặng Quốc Thắng, Giám đốc sản xuất ngành dệt thoi Decathlon Việt Nam cho biết, doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của Decathlon thì ít nhất là sau năm 2025 sẽ phải chuyển đổi và loại bỏ hoàn toàn năng lượng hóa thạch trong quá trình sản xuất. Theo ông Thắng, tập đoàn luôn mong muốn tìm kiếm các nhà sản xuất, đối tác tin cậy và có tính tự chủ cao. Trong quy trình lựa chọn nhà cung cấp, Decathlon sẽ ưu tiên các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí về trách nhiệm với người lao động và cộng đồng; trách nhiệm với môi trường; bảo đảm các yếu tố về giá cạnh tranh, thời gian giao hàng nhanh và chất lượng tốt. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đủ năng lực về tài chính.
"Với ngành hàng thời trang và thiết bị thể thao, để cạnh tranh được với các quốc gia khác, doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất tinh gọn, tối ưu quy trình và giảm chi phí sản xuất, xây dựng văn hóa cải tiến liên tục. Song song với đó là đẩy mạnh sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời...); xây dựng lộ trình ngừng sử dụng than đá, tăng cường tự chủ trong sản xuất...", ông Thắng đưa ra giải pháp.
Theo Bộ Công thương, sắp tới châu Âu sẽ áp thuế carbon đối với tất cả mặt hàng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam, trước mắt là đối với thép, xi măng, phân bón, sắt, nhôm và đồ điện. Như vậy, rõ ràng các biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp ở mọi quốc gia có mối quan hệ giao thương với châu Âu và dù muốn hay không, các công ty Việt Nam cũng cần phải quan tâm và tham gia tích cực vào thị trường này nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi.
Việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước đã được Chính phủ nhanh chóng triển khai trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2021, Nghị quyết 50-NQ/CP của Chính phủ xác định “thực hiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” là một trong các nhiệm vụ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Và cụ thể hơn là Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và phát triển thị trường carbon. Hướng tới từ năm 2025 sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, năm 2027 xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế. Từ năm 2028, Việt Nam sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; đồng thời quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới. |
Ông Vũ Đức Giang cho biết, hiện những doanh nghiệp lớn như May Việt Tiến, May 10, May Bảo Minh, Đồng Tiến… đều đã chấp nhận “luật chơi” mà các nước nhập khẩu đặt ra. Tuy nhiên, điều này đối với những doanh nghiệp nhỏ là thách thức lớn.
VITAS sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối các doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp với nhãn hàng, doanh nghiệp với Chính phủ; phối hợp tích cực với các tổ chức quốc tế uy tín triển khai các chương trình về lao động, năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, thiết kế, xây dựng thương hiệu, quản trị nhân lực...; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm khách hàng...
“VITAS dự kiến ngày 6/11 sẽ tổ chức một đoàn gồm Đại sứ EU, Chủ tịch AmCham… đi thăm các nhà máy có mô hình xanh hóa đạt chuẩn nhằm giúp các đối tác quốc tế có cái nhìn tích cực về sự chuyển đổi mạnh mẽ hiện nay của ngành dệt may Việt Nam”, ông Giang cho biết.
Việc hình thành thị trường carbon trong nước giúp doanh nghiệp nắm bắt được những cơ hội trong giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết trong khu vực cũng như tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đối với doanh nghiệp, bước đầu tiên là chuẩn bị nhân sự đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Để tham gia quá trình chuyển đổi này, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh thâm dụng năng lượng, phát thải nhiều cần tăng cường hợp tác với các cơ quan Chính phủ để xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải, tăng cường các hoạt động hấp thụ khí nhà kính, cũng như hình thành hệ thống tiêu chuẩn, hệ số phát thải đối với sản phẩm. Doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào thị trường carbon để gia tăng cơ hội cho chính mình trong quá trình hội nhập quốc tế.
Bàn về vấn đề này, TS. Trương An Hà, chuyên gia nghiên cứu Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) nhận định, việc xây dựng và vận hành thị trường tín chỉ carbon trong nước sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được những cơ hội trong việc giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá tín chỉ carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường tín chỉ carbon trên thế giới và trong khu vực, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều này góp phần thúc đẩy doanh nghiệp chú trọng đầu tư chuyển đổi công nghệ để giảm thải khí carbon trong quá trình sản xuất.
“Thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi tối đa từ thương mại quốc tế. Đồng thời, cũng sẽ giúp tăng khả năng thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp FDI, tăng sức cạnh tranh xuất khẩu, nhất là vào các thị trường khó tính, quan tâm cao tới bảo vệ môi trường như EU, Mỹ”, TS.Trương An Hà nhấn mạnh.