Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Tìm điểm sáng trong bức tranh tối màu
Đầu tháng 4/2022, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của các công ty thuộc Tân Hoàng Minh với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng giống như một cơn địa chấn khiến các nhà đầu tư, nhất là những người chỉ nhìn vào mức lợi tức khi mua trái phiếu giật mình bừng tỉnh.
Từ thời điểm đó đến nay, dù có hàng chục cuộc hội thảo lớn nhỏ, với rất nhiều ý kiến, kiến nghị lẫn “chỉ dẫn, trấn an“ của chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý… vẫn khiến thị trường TPDN im ắng, nhất là các TPDN khu vực bất động sản gần như bất động.
Song, trong bức tranh tối màu của thị trường, vẫn có nhà đầu tư tìm được điểm sáng - những doanh nghiệp tốt để tiếp tục xuống tiền. Bởi nhìn chung, lợi tức TPDN vẫn cao hơn lãi suất tiết kiệm và an toàn hơn so với đầu tư cổ phiếu ở thời điểm này. Vậy, họ tìm “điểm sáng” như thế nào?
Đó là vì họ nắm bắt được cấu trúc và cách vận hành của thị trường trái phiếu một cách tổng thể; phân tích thông tin, xu hướng phát triển của doanh nghiệp… qua những con số, thông tin đã được cơ quan uy tín kiểm chứng.
Ảnh minh họa |
Thị trường trái phiếu Việt Nam hình thành từ những năm 1990 và bắt đầu phát triển từ năm 2000. Thị trường trái phiếu hiện nay gồm các loại: Trái phiếu Chính phủ (TPCP); TPCP bảo lãnh; Trái phiếu chính quyền địa phương; và TPDN. Trong các loại trái phiếu này, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân thường nhìn vào thị trường TPCP để dự báo xu hướng lãi suất thị trường, lấy lãi suất của TPCP để làm cơ sở phân tích lãi suất TPDN và chọn doanh nghiệp, chọn thời điểm để xuống tiền.
Trong lịch sử, giai đoạn 2017-2021, tốc độ phát triển bình quân của thị trường TPDN khoảng 46%, riêng trong năm 2021 con số này là 56%. Quý I/2022, tốc độ tăng trưởng của thị trường vẫn rất cao cho đến khi “địa chấn” Tân Hoàng Minh xảy ra.
Về thị trường TPCP, theo nhận định của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, trong năm 2022, khối lượng phát hành TPCP dự kiến không đổi so với năm trước do quy mô đáo hạn TPCP thấp hơn so với các năm trước chỉ vào khoảng 50 nghìn tỷ đồng so với mức bình quân 100-150 nghìn tỷ đồng đã góp phần làm giảm áp lực phát hành thêm TPCP để tái cơ cấu nợ công.
Mặt bằng lãi suất TPCP dự kiến tăng nhẹ trong biên độ 1,7-1,8% ở kỳ hạn dưới 7 năm và tăng trong biên độ khoảng 2,4-2,6%/năm với kỳ hạn 10 năm và 2,6-2,8%/năm với kỳ hạn 15 năm. Dư địa giảm lãi suất TPCP bị thu hẹp trước áp lực lạm phát tăng cao trong năm 2022.
Theo Nhóm nghiên cứu, động lực duy trì tính ổn định cho thị trường TPCP trong năm 2022 bao gồm: (i) Nền kinh tế Việt Nam dự báo hồi phục với tốc độ tăng trưởng khoảng 5,5-6% (kịch bản cơ sở) khi mở cửa trở lại thích ứng với đại dịch, lạm phát được kiểm soát ở mức khoảng 4%; (ii) Chính sách tiền tệ tiếp tục linh hoạt, thích ứng dù thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng thương mại dự báo kém dồi dào hơn năm 2021; (iii) Nhu cầu đầu tư vào TPCP của các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục nhằm nâng cao chất lượng, an toàn hoạt động theo các quy định của cơ quan quản lý; (iv) Áp lực phát hành đối với Kho bạc Nhà nước dự kiến không quá lớn do giải ngân đầu tư công chưa có nhiều đột phá, thu ngân sách vẫn khả quan. Vì vậy, thị trường TPCP vẫn có sự mở rộng về quy mô và lợi tức có thể tăng nhẹ trở lại nhưng cơ bản vẫn khá ổn định.
Về TPDN, trong quý I/2022, thị trường có dấu hiệu chững lại với tổng trái phiếu các công ty huy động chỉ đạt 57,6 nghìn tỷ trên cả hai kênh phát hành riêng lẻ và công chúng, giá trị phát hành đã giảm khoảng 45% so với tháng 12/2021.
Sau vụ Tân Hoàng Minh, từ góc nhìn của cơ quan quản lý đối với TPDN thì rõ ràng hành lang pháp lý cho thị trường trái phiếu nói chung và TPDN nói riêng phát triển theo đúng vai trò, chức năng chưa hoàn thiện, nhiều quy định hiện hành không còn phù hợp thực tế…
Từ góc độ nhà đầu tư, thị trường đang thiếu vắng việc định hạng tín nhiệm, dẫn đến nhà đầu tư thiếu cơ sở đánh giá mức độ tín nhiệm hay mức độ rủi ro của tổ chức phát hành hoặc từng đợt phát hành.
Quay trở lại câu hỏi có nên đầu tư vào TPDN lúc này, theo phân tích, nhận định của các chuyên gia ADB và BIDV: Thị trường TPDN được dự báo sẽ phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh hơn, nhờ một số yếu tố hỗ trợ như kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục, môi trường lãi suất về cơ bản tăng không nhiều, thị trường TPDN thứ cấp đối với trái phiếu riêng lẻ có thể sẽ đi vào hoạt động trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào cuối năm 2022.
Mặc dù vậy, thị trường nhiều khả năng sẽ không tăng “nóng” như 5 năm qua khi các quy định của cơ quan quản lý được ban hành theo hướng siết chặt hơn, như Thông tư 16/2021 của NHNN quy định về điều kiện mua TPDN của các tổ chức tín dụng, sửa đổi Nghị định 153/2020/NDD-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ... Các quy định này sẽ giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững hơn.