Thời cơ cho bảo hiểm an ninh mạng
Phổ biến các gói bảo hiểm giá rẻ
Có thể kể ra một số sản phẩm tiêu biểu như: bảo hiểm Cyber Risk của VBI, Bảo hiểm quản lý rủi ro mạng của Chubb; bảo hiểm Cyber Liability Insurance của Bảo Việt; CyberGuard của BSH, BIC Cyber Risk của BIC và Bảo hiểm an ninh mạng của Vietel Money…
Nhìn chung, các sản phẩm bảo hiểm an ninh mạng đã được các doanh nghiệp bảo hiểm tung ra thị trường trong khoảng 3-4 năm trở lại đây với các thiết kế khá đơn giản, tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa với giá bán khá hấp dẫn.
Chẳng hạn, bảo hiểm an ninh mạng của Vietel Money được giới thiệu bán trực tuyến trên ứng dụng di động với các gói từ 36.000 - 120.000 đồng/năm với mức bảo hiểm chi trả tối đa 25 triệu đồng/vụ và 50 triệu đồng/năm. Bảo hiểm Cyber Risk của VBI có giá 3.000 đồng/tháng với mức chi trả tối đa 50 triệu đồng/năm. Bảo hiểm an ninh mạng cá nhân của BIC được bán với giá 500 đồng/ngày (bồi thường tối đa 135 triệu đồng) cho các rủi ro xảy ra khi mua sắm trực tuyến, gian lận chuyển tiền và trộm cắp trực tuyến.
Quan sát cho thấy, thời gian vừa qua, nhất là các năm từ 2021 trở lại đây cùng với sự phát triển mạnh của các hình thức thương mại điện tử, nhu cầu bảo hiểm an toàn khi giao dịch trực tuyến cũng được người dân, doanh nghiệp quan tâm hơn. Trong khi đó, các công ty bảo hiểm cũng tích cực mở rộng các dòng sản phẩm này như một thị trường ngách nhưng có tiềm năng đầu tư vào các hệ sinh thái sản xuất và thương mại tiêu dùng.
Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp ứng phó với rủi ro bị tấn công mạng |
Thách thức cho việc luật hóa bắt buộc
Theo một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, trong bối cảnh rủi ro mất an toàn trên không gian mạng ngày càng gia tăng như hiện nay, Việt Nam có thể đặt ra yêu cầu về việc bắt buộc phải mua bảo hiểm an ninh mạng đối với một số đơn vị, tổ chức quản lý số lượng lớn cơ sở dữ liệu của người dùng như các TCTD, doanh nghiệp viễn thông, công ty chứng khoán, sàn giao dịch thương mại điện tử, các hãng hàng không…
Ông Lê Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) cũng cho rằng, bảo hiểm rủi ro trên môi trường mạng nên được nằm trong nhóm bảo hiểm bắt buộc phải trang bị theo quy định của Nhà nước.
“Đây sẽ là giải pháp thiết thực góp phần giảm thiểu thiệt hại trên môi trường mạng mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã khuyến khích, ưu tiên áp dụng”, ông Nam nói.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc luật hóa bắt buộc mua bảo hiểm an ninh mạng (kể cả giới hạn đối với một số loại hình tổ chức, doanh nghiệp) trong thời điểm hiện nay là chưa thể thực hiện được. Bởi xét riêng khía cạnh pháp lý, hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã bổ sung hoặc loại bỏ bớt các loại hình bảo hiểm bắt buộc để phù hợp tình hình mới. Nếu thời gian tới muốn một số tổ chức kinh tế, doanh nghiệp bắt buộc mua bảo hiểm an ninh mạng thì cần có những điều tra, tham vấn, đánh giá tác động rõ ràng, cụ thể từ các bộ, ban ngành và có lộ trình bổ sung, sửa đổi cụ thể trong các văn bản luật.
Theo các chuyên gia tại Vina Aspire (một doanh nghiệp tư vấn kinh koanh trong lĩnh vực công nghệ cao, an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin), trước mắt việc phân phối các loại hình sản phẩm bảo hiểm an ninh mạng nên tập trung vào hoạt động ưu đãi, khuyến khích mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thể mở rộng các liên kết, hợp tác đầu tư với mạng lưới của các tập đoàn bán lẻ, các hệ thống thương mại điện tử đa quốc gia để tích hợp sản phẩm trong các gói hàng hóa, các chương trình, chiến dịch marketing, khuyến mại nhằm khai thác tối đa hệ sinh thái doanh nghiệp và người dùng trong chuỗi cung ứng. Từ đó mở rộng thị phần và truyền thông, khuyến khích để gia tăng doanh số mảng bảo hiểm an ninh mạng trong bối cảnh nhu cầu đảm bảo an toàn trên không gian mạng ngày càng cao như hiện nay.