Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng:Chính phủ và NHNN đã rất quyết liệt trong triển khai Nghị quyết 43
Thống đốc NHNN NGuyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp |
Chia sẻ thêm về bối cảnh triển khai nghị quyết, Thống đốc cho biết, chúng ta thực hiện Nghị quyết 43 trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước rất phức tạp, khó lường và chưa từng có tiền lệ, chưa kể đến việc ngay sau khi Nghị quyết 43 ra đời lại xảy ra cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine; chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước rất nhanh và mạnh, những vấn đề khó khăn của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; sự cố của SCB…
“Là thành viên Chính phủ, tôi đã chứng kiến sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong chỉ đạo điều hành để cố gắng thực hiện các chương trình, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế”, Thống đốc phát biểu.
Báo cáo trước Quốc hội, Thống đốc cũng cho biết, ngay khi thảo luận về chính sách hỗ trợ lãi suất này, trong nhiều cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, NHNN cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với chương trình hỗ trợ lãi suất. Thế nhưng NHNN cũng rất hiểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất trách nhiệm và mong muốn có các giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp và giao Chính phủ nghiên cứu. Về phía Chính phủ, các thành viên cũng rất trách nhiệm, nghiên cứu để tham mưu đề xuất với tâm thế phải thực hiện nhiều chính sách, để cùng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Sau khi có Nghị quyết của 43, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng và tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Thống đốc cho biết, thực tế, chưa một chương trình nào Ngân hàng Nhà nước lại dành nhiều thời gian và công sức để tổ chức triển khai như vậy. Thủ tướng, Phó Thủ tướng cũng rất sát sao và trực tiếp chỉ đạo triển khai. NHNN cũng tổ chức rất nhiều hội nghị và yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai đến tất cả các địa phương. Các bộ, các ngành cũng tham gia rất chặt chẽ trong quá trình xây dựng nghị định cũng như tham gia các tổ khảo sát thực tiễn ở các địa phương.
Thống đốc cho biết, NHNN cũng xác định ngay từ đầu chương trình này là một trong những chương trình trong Nghị quyết 43 và chính sách này cũng chỉ là một chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, tức là có khả năng trả nợ vay, chứ không phải là một chính sách để giải quyết cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế còn khó khăn, kể cả những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn.
“Bởi vì vốn cho vay của chương trình này là vốn do các tổ chức tín dụng huy động được của người dân, chỉ có phần hỗ trợ lãi suất 2% là nguồn từ ngân sách nhà nước. Cho nên các tổ chức tín dụng cũng vẫn phải thực hiện việc cho vay theo các quy định của pháp luật hiện hành và phải đảm bảo khả năng thu hồi được nợ”, Thống đốc cho biết.
Bởi vậy theo Thống đốc, ngân được nhiều hay ít vốn hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ 2% lãi suất phụ thuộc rất lớn vào quyết định của doanh nghiệp cũng như của các tổ chức tín dụng. Trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cũng đã nêu đầy đủ, chi tiết rất nhiều khó khăn, hạn chế như nhiều đại biểu tại phiên thảo luận.
Thông tin thêm một số nhận định trong báo cáo của Đoàn giám sát về nguyên nhân kết quả triển khai hỗ trợ lãi suất còn hạn chế, như công tác truyền thông chưa sâu rộng đến từng khách hàng đủ điều kiện để hỗ trợ lãi suất… Thống đốc mong muốn đoàn giám sát và Quốc hội cân nhắc thêm bởi lẽ để triển khai chương trình này, cùng với việc trực tiếp tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các TCTD và cả doanh nghiệp trong quá trình triển khai chương trình, NHNN đã yêu cầu chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành ở các tỉnh, thành, địa phương tổ chức các hội nghị kết nối doanh nghiệp và ngân hàng. Các hội nghị này đều mời các Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh và nếu đã mời Hiệp hội doanh nghiệp thì sẽ thông báo với tất cả thành viên trong Hiệp hội nên không thể các hội viên của các Hiệp hội doanh nghiệp không biết.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng rất tích cực và thường xuyên đăng tải những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ cũng như của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng để khách hàng có thể nắm được.
"Báo cáo khảo sát doanh nghiệp của VCCI cũng chỉ khảo sát ở 8.000 doanh nghiệp tư nhân, chiếm chưa đến 10% doanh nghiệp toàn quốc. Lại khảo sát trong thời gian từ tháng 9/2022 đến tháng 11/2022 thì không thể là một chỉ dẫn để đánh giá cả một chương trình", Thống đốc cho biết thêm.
Tâm đắc ý kiến của một số đại biểu cho rằng trong bối cảnh phức tạp, chưa có tiền lệ, các chính sách có thể chưa sát với thực tiễn là điều dễ hiểu, Thống đốc cho rằng, điều quan trọng là qua đây chúng ta rút ra được kinh nghiệm gì về cách thức hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân để cho đơn giản và tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đến thật nhanh với doanh nghiệp.
Chương trình này không phải vì được hỗ trợ lãi suất 2% mà doanh nghiệp mới quyết định đi vay vốn. Quan trọng là khi quyết định vay bản thân doanh nghiệp phải biết đi vay để làm gì và có khả năng trả nợ hay không. Lãi suất chỉ là một trong số các chi phí đầu vào. “Cho nên chúng ta có thể cân nhắc những giải pháp như thuế hoặc chính sách khác”, Thống đốc phát biểu.
Thống đốc cũng cho biết, gói hỗ trợ lãi suất có quy mô 40 nghìn tỷ đồng, giải ngân được 3,05%. Chương trình này đã kết thúc từ 31/12/2023 và tại Báo cáo số 186, Chính phủ đã báo cáo trình Quốc hội cho hủy dự toán và không huy động nguồn lực nữa. Đồng thời không làm tăng bội chi ngân sách cho số vốn này. Trong trường hợp chúng ta vẫn tiếp tục huy động nguồn này thì có thể tạo dư địa cho ngân sách trong các chương trình hỗ trợ khác, có thể chuyển sang Ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ cho các mục tiêu khác như rất nhiều đại biểu đã nêu…