Thông đường vận chuyển nông sản
Hiện nay, nhiều địa phương do e ngại dịch lây lan nên đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội quá mức gây khó khăn cho hoạt động vận tải hàng hóa. Một số nơi đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, đến mức cực đoan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 789/CĐ-TTg về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả các chỉ đạo về phòng chống dịch, thực hiện “mục tiêu kép”. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải, bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, sản lượng 10 loại trái cây chủ lực năm 2021 ước đạt 8,3 triệu tấn. Trong đó, thanh long khoảng 1,4 triệu tấn (thời gian thu hoạch quanh năm), xoài 870 nghìn tấn tập trung vào tháng 7-8, dứa 690 nghìn tấn, cam 1 triệu tấn, nhãn 550 nghìn tấn…
Tuy nhiên, khó khăn trong vận chuyển, lưu thông nông sản giữa các địa phương là các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết khi không cho phép phương tiện vận chuyển nông sản của địa phương khác đi qua, mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với lái xe và hàng hóa. Ngoài ra, việc tiêu thụ nông sản còn gặp khó khăn do cước phí vận tải tăng, nhu cầu thị trường giảm, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí cầu đường và lưu thông vận chuyển tăng...
Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu việc giảm phí, có cơ chế tạo điều kiện cho các xe vận chuyển nông sản thuận lợi hơn |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: Do các địa phương nhận thức khác nhau về dịch bệnh nên có những ứng xử không đồng nhất, gây khó khăn cho vận chuyển nông sản. Trong khi nông sản là mặt hàng có tính thời điểm, mùa vụ ngắn ngày nên chậm vận chuyển 1 ngày thì vừa phát sinh chi phí, tiêu hao chất lượng, giảm giá trị…
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ đã tập trung triển khai và chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc bộ cũng như các Sở Công thương, các doanh nghiệp phân phối bán buôn, bán lẻ, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao, đơn cử quả vải thiều của Hải Dương…
Qua báo cáo nhanh của Hải Dương và Bắc Giang cho thấy, với sản lượng tiêu thụ niên vụ vải sớm, đã có hơn 60% tiêu thụ trên thị trường nội địa. Thời gian tới, bộ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ và các chợ đầu mối tập trung đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Đối với những trái cây có sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn (vải, nhãn), ngành nông nghiệp cần tạo điều kiện nghiên cứu để làm sao thời vụ các sản phẩm trái cây, nông sản có thể kéo dài hơn nhằm giảm bớt áp lực cho khâu tiêu thụ.
Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì phối hợp Bộ Y tế, Công an, Công thương rà soát hoạt động vận tải đi, đến đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, đảm bảo sản xuất kinh doanh, chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng biện pháp quá mức cần thiết gây tắc ách sản xuất kinh doanh. Cụ thể, yêu cầu UBND tỉnh cho phép tiêu thụ, lưu thông nông sản từ các vùng có dịch nhưng có giấy xác nhận của cơ quan y tế địa phương. Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu việc giảm phí, có cơ chế tạo điều kiện cho các xe vận chuyển nông sản thuận lợi hơn. Bộ Công thương cần đảm bảo cung ứng hàng hóa giữa các địa phươg có dịch, tổ chức xúc tiến thương mại bằng hình thức trực tuyến, tham tán thương mại ở nước ngoài trong việc tìm kiếm thị trường. Bộ Y tế ưu tiên tiêm vắc xin sớm cho lái xe, cấp sổ thông hành Covid-19 cho lái xe chở hàng qua cửa khẩu biên giới.
“Các địa phương cũng cần thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải, bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Quốc Toản chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, việc tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe là giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch Covid-19. Bộ cũng đã đề nghị Bộ Ngoại giao bàn bạc với phía Trung Quốc để có thể có cơ chế cho phép tạm thời sử dụng “Hộ chiếu vaccine” đối với lái xe vận chuyển hàng nông sản qua biên giới nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.