Thu hút khách từ du lịch ẩm thực
Quảng bá tinh hoa ẩm thực Việt
Với chủ đề “Món ngon xứ Quảng”, Lễ hội Văn hóa Ẩm thực xứ Quảng lần thứ 1 diễn ra vào đầu năm 2024 nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Quảng Nam; đồng thời quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa phi vật thể, sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn, độc đáo của địa phương với bạn bè, du khách. Năm 2023, ba món ăn của Quảng Nam gồm: Mỳ Quảng, cao lầu, bánh đập được Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam lựa chọn vào danh sách các món ăn tiêu biểu của Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian qua thành phố Hội An được nhiều tổ chức, tạp chí du lịch uy tín vinh danh là một trong những điểm đến ẩm thực ngon nhất trên thế giới. Cao lầu Hội An được CNN đưa vào danh sách những món mỳ ngon nhất châu Á năm 2020. Năm 2022, CNN lần nữa giới thiệu cao lầu là một trong những món mỳ ngon nhất châu Á và đưa vào chuyên mục giới thiệu cho du khách lần đầu đến châu Á.
Lễ hội Văn hóa Ẩm thực xứ Quảng nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực địa phương |
6 món ăn của Quảng Nam lọt vào top 100 món ăn đặc sản và top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam như: mỳ Quảng, bê thui Cầu Mống, cơm gà Hội An, mực cơm biển Bình Minh, phở sắn Đông Phú và gà tre Đèo Le.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Văn Bá Sơn chia sẻ: Ẩm thực Quảng Nam tuy dân dã, bình dị nhưng tinh tế với nhiều món ăn nổi tiếng được các tạp chí, tổ chức du lịch uy tín trong nước và nước ngoài vinh danh. Lễ hội Văn hóa Ẩm thực xứ Quảng lần thứ 1 là dịp để các nghệ nhân, các đầu bếp trong và ngoài tỉnh giao lưu, trải nghiệm những nét đặc trưng văn hóa ẩm thực, món ăn đa dạng, phong phú, đặc sắc để từ đó cùng quảng bá, tôn vinh, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống vùng miền.
Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Du lịch và Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng đã tổ chức lễ công bố chuỗi sự kiện ẩm thực "Hành trình qua ẩm thực Việt" với mục tiêu quảng bá tinh hoa ẩm thực Việt đến du khách trong và ngoài nước. Theo đó, mỗi quý của năm 2024, sẽ diễn ra chương trình quảng diễn của 4 đầu bếp hàng đầu Việt Nam và đêm tiệc ẩm thực phục vụ du khách.
Chuỗi sự kiện dự kiến sẽ diễn ra với 4 chủ đề theo 4 mùa: Mùa Xuân: Cội nguồn Việt - Nghệ nhân Di sản Việt; Mùa hè: Hương biển "Đà Nẵng" - Phong vị "Việt"; Mùa thu - Đồng vọng Phù sa; Mùa đông: "Tết Việt", "Tết Furama". Và điểm nhấn là "Đêm tinh hoa hội ngộ" với sự xuất hiện của 12 nghệ nhân ẩm thực Việt Nam vào tháng 12 âm lịch để xác lập kỷ lục ẩm thực. Ông Lê Tân - Nhà nghiên cứu Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cho biết: Chuỗi sự kiện lần này với định hướng “Tôn vinh truyền thống - Kiến tạo tương lai” hứa hẹn sẽ biến tấu món ăn Việt Nam phù hợp với phong vị của cư dân trên toàn thế giới để ngày một gần hơn đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam tiến xa trên trường quốc tế, trở thành thương hiệu quốc gia.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh, cho biết, chuỗi sự kiện sẽ có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực và các đầu bếp nổi tiếng trên cả nước. Câu chuyện ẩm thực của du khách không chỉ ăn mà còn nghe, thấu hiểu, cảm nhận văn hoá, lịch sử của món ăn… và để thể hiện điều này chỉ có thể thấu hiểu qua hành trình văn hoá. Thông qua việc kể câu chuyện về văn hóa ẩm thực Việt Nam, chúng tôi mong sẽ hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành “bếp ăn du lịch thế giới, nơi mà các đầu bếp đến để trổ tài, nơi mà các nhà hàng ẩm thực khác nhau trên thế giới về đây để phục vụ du khách… và đây là một trong những nội dung mà ngành du lịch Đà Nẵng đang theo đuổi.
Xây dựng Huế thành kinh đô ẩm thực
Năm 2023, Thừa Thiên - Huế là địa phương có nhiều món ăn được vinh danh nhất trong “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam”. Với việc đề cử xác lập các kỷ lục châu Á về ẩm thực và những công bố xếp hạng của các tổ chức về ẩm thực quốc tế, cơ hội để quảng bá nền ẩm thực Thừa Thiên - Huế đến đông đảo du khách trong và ngoài nước ngày càng rộng mở. Trong số gần 3.000 món ăn của cả nước thì ẩm thực Huế đã chiếm hơn 65%, với hai dòng chủ đạo là ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian. Sự đa dạng của nguồn nguyên vật liệu, từ dân dã cho tới sơn hào hải vị và đôi bàn tay của các nghệ nhân, đầu bếp, người làm ẩm thực, từ bình dân cho tới quý tộc thượng lưu, cung đình đã nâng tầm văn hóa ẩm thực Huế lên một đẳng cấp vượt trội. Với ưu thế đó, Thừa Thiên - Huế đang xây dựng thương hiệu "Huế - Kinh đô ẩm thực”. Tuy nhiên, hành trình ấy còn rất nhiều việc cần làm, mà việc quan trọng là làm sao để gìn giữ, bảo tồn giá trị và lan tỏa văn hóa ẩm thực Huế.
Ông Vũ Hoài Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Huế cho rằng, ẩm thực Huế có sức hút với du khách, nhưng trong hàng ngàn món ăn của Huế, số lượng món ăn mà khách biết đến vẫn còn khá ít ỏi, ngoại trừ những món đã phổ biến như: Bún bò Huế, cơm, bún hến, bánh bèo, nậm, lọc… Phải làm sao có những chương trình định kỳ, để hàng năm du khách lại đến Huế thưởng thức thêm nhiều món ngon mà trước đó họ chưa được thử. Một điều quan trọng nữa là phải xác định, những người làm và người bán các món ăn cũng là các “đại sứ” quảng bá ẩm thực Huế. Khách sẽ ngon miệng hơn với sự nhiệt tình, thân thiện của họ, cũng từ đó, ẩm thực Huế sẽ được du khách tiếp tục giới thiệu, lan tỏa đi khắp nơi.
Thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp khai thác ẩm thực vào làm du lịch, nhưng chủ yếu chỉ xem là một phần được tích hợp của chuyến đi. Một số ít tour khai thác ẩm thực theo yêu cầu của du khách chỉ dừng ở mức độ giới thiệu cơ bản một số món ăn đặc sản, truyền thống. Vì chưa xác định đúng loại hình nên đầu tư manh mún, thiếu cơ sở vật chất để phục vụ những đoàn lớn; nhân sự hướng dẫn nấu ăn thiếu chuyên nghiệp cả nghề lẫn ngoại ngữ, nguyên liệu và cách chế biến không còn nguyên bản… Bên cạnh đó, có thể nâng tầm ẩm thực Huế thành chương trình đinh trong các kỳ festival hoặc tổ chức những festival chuyên đề về ẩm thực, có thể hội tụ ẩm thực ba miền, ẩm thực quốc tế, qua đó giao lưu ẩm thực và tạo sự khác biệt của ẩm thực Huế qua việc phục hồi đúng chất lượng những món ăn vốn được xem là di sản.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ, ẩm thực chính là con đường tiếp cận nhanh, gần gũi nhất và rất phù hợp để phát triển du lịch. Do vậy, cần xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt và trở thành “bếp ăn của thế giới”. Việt Nam cần cải thiện chất lượng thực phẩm; phát triển hệ thống nhà hàng đạt chuẩn quốc tế. Ngoài ra, cần đào tạo đội ngũ nhân lực ngành đầu bếp trong chế biến món ăn, cũng như kỹ năng, phong cách phục vụ phù hợp. Một khi văn hóa ẩm thực thực sự trở thành thương hiệu quốc gia thì đây sẽ là kênh quảng bá, truyền thông hiệu quả nhất để thúc đẩy phát triển du lịch, mở rộng kênh tiêu thụ lương thực, thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới, góp phần phát triển kinh tế đất nước.