Thủ tục hành chính "cản bước" nhà ở xã hội
Hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội Khẩn trương triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội Phát triển nhà ở xã hội, phải đa dạng nguồn cung |
Ảnh minh họa |
Người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận nhà ở xã hội
Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Hòa Bình Group chia sẻ, doanh nghiệp có 2 khu đất sạch ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Các khu đất này có quy hoạch của UBND TP. Hà Nội từ năm 2015, rất chi tiết về mật độ, chiều cao, dân số… Tuy nhiên, khi làm thủ tục làm nhà ở xã hội, Hòa Bình Group phải mất hơn 500 ngày mới được cấp chủ trương đầu tư dự án cho 1 khu đất.
Chia sẻ với khó khăn trên của doanh nghiệp, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng dự án đất của tư nhân đáng nhẽ phải khuyến khích nhưng lại vướng thủ tục phức tạp. Ông Võ khẳng định một trong những điểm phải tháo gỡ cho nhà ở xã hội bây giờ là thủ tục hành chính.
"Tôi cho rằng thủ tục hành chính là vấn đề đặc biệt, rất đáng quan tâm cho những khu vực có nhà ở xã hội", ông Đặng Hùng Võ nói.
Theo ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), pháp luật hiện hành đã có những quy định cụ thể và chi tiết để các đơn vị triển khai đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ông thừa nhận khi theo dõi triển khai Luật Nhà ở năm 2014 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đầu tư vào nhà ở xã hội thì có một số nhóm chính sách khiến các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn khi đầu tư, tiếp cận nhà ở xã hội.
Thứ nhất là việc dành và bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Theo Luật Đầu tư quy định, chủ đầu tư các dự án nhà thương mại, khu đô thị phải dành 20% diện tích đất trong dự án để phát triển nhà ở xã hội nhưng đây là quy định khá cứng nhắc.
Cụ thể, trong các dự án có suất đầu tư cao, vị trí đất vàng, hoặc đặc thù như resort, nghỉ dưỡng trên triền núi cao... thì việc bố trí quỹ đất này để phát triển nhà ở xã hội là không phù hợp; hoặc các dự án chung cư có suất đầu tư siêu cao, 60 - 80 triệu đồng/m2, nếu bố trí phần diện tích dự án xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp thì chỉ riêng việc chịu tiền vận hành cũng khó khăn cho họ.
"Theo con số chúng tôi nắm bắt được thì hiện nay chúng ta mới đáp ứng khoảng 35% diện tích quỹ đất yêu cầu về nhà ở xã hội", ông Hưng cho biết.
Thứ hai là về thủ tục đầu tư. Hiện nay, pháp luật quy định trình tự làm nhà ở xã hội không khác gì nhà ở thương mại, thậm chí có bước còn nhiều hơn. Việc này xuất phát từ Nhà nước có chính sách ưu đãi cho nhà ở xã hội nên khi thiết kế chính sách thì yêu cầu có giải pháp, công cụ quản lý dự án này, dẫn đến trình tự thủ tục đầu tư còn kéo dài.
Thứ ba là nhóm chính sách xác minh đối tượng, điều kiện được thụ hưởng nhà ở xã hội. Cụ thể, theo quy định của Điều 49, Luật Nhà ở thì có 10 đối tượng, tuy nhiên lại không có quy định làm căn cứ để phân biệt điều kiện được thụ hưởng theo từng trường hợp là gì.
Hiện nay, nhà ở xã hội có phương thức mua bán, cho thuê và cho thuê mua. Nhưng dù là phương thức nào, các đối tượng phải đáp ứng các điều kiện: đối tượng, nhà ở, thu nhập, nơi cư trú… dẫn đến xác định các đối tượng này khó khăn, kéo dài.
Cần thay đổi cách nhìn với nhà ở xã hội
Theo GS. Đặng Hùng Võ, tại Việt Nam, chính sách cho nhà ở xã hội hiện nay khiến thị trường này vẫn chưa có cơ hội phát triển mạnh, trong khi nhu cầu lớn. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, 80% đối tượng đang cần nhà ở xã hội, chỉ có 20% có thể có tiền để tiếp cận khu vực nhà ở giá cao. Với mức cầu như thế mà cung nhỏ giọt như hiện nay thì “chẳng thấm vào đâu”.
"Hiện nay, chúng ta nói nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhưng không chỉ ra được đúng người có thu nhập thấp. Chúng ta không quản lý được ai có bao nhiêu nhà…", ông Võ băn khoăn.
Bên cạnh đó, trong thị trường nhà ở có 2 phân khúc giá cao và nhà ở xã hội. Khu vực giá cao ngày càng cao lên, còn khu vực nhà ở xã hội chúng ta cố gắng cho thấp đi nhưng cứ ra dự án nào thì chỉ vài năm sau lại rao bán với giá cao hơn rất nhiều. Câu chuyện nhà ở xã hội sẽ không bao giờ kết thúc.
Ông Võ nhấn mạnh: "Chính vì vậy, chúng ta phải thay đổi lại cách nhìn với nhà ở xã hội, cách thức phát triển, đừng kêu gọi Nhà nước phải mở room tín dụng, giảm lãi suất. Tôi cho đó không phải là giải pháp tốt".
Thực tế rất nhiều doanh nghiệp có thể vận dụng sức của mình để giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội, giống như làm nhà ở thương mại giá rẻ. Lúc này, chúng ta cần phải tính đến những ưu đãi nhất định cho loại hình nhà ở thương mại giá rẻ vì đó là phân khúc ngay sát kề với nhà ở xã hội.
Hơn nữa, theo quan điểm của Ngân hàng Thế giới, cũng không nên có quan niệm là nhà ở xã hội mà phải chuyển sang nhà ở thương mại giá rẻ với ưu đãi nhất định về thuế, tiếp cận đất đai, vốn.
GS. Đặng Hùng Võ lưu ý, cần đi kèm với chính sách về nhà ở là cải cách chế độ tiền lương, chế độ phúc lợi… mới tạo nên tổng thể giải quyết được vấn đề an sinh xã hội. Các doanh nghiệp nên đào sâu hơn nữa vào quá trình phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ. Doanh nghiệp có thể áp dụng công nghệ xây dựng, công nghệ vật liệu xây dựng làm giá thành nhà ở giảm đi.
Ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng về lựa chọn chủ đầu tư dự án, khi xác định các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia triển khai dự án, xét thấy tất cả đều đủ điều kiện thì nên cho bốc thăm, còn nếu thực hiện theo đấu thầu thì thủ tục phải mất đến gần 2 năm. Chưa kể các thủ tục khác như giải phóng mặt bằng… nên thời gian triển khai dự án sẽ rất lâu.
Đối với dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội mà bắt buộc phải đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thì cũng nên có quy định cụ thể về thủ tục, trình tự đấu thầu nhưng trên tinh thần tinh gọn, giảm thiểu nhất có thể để sớm có thêm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu cho người dân.
"Tôi cho rằng, với dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, sinh viên thì thủ tục hành chính phải thiết kế riêng, thật tinh gọn, giảm thiểu hơn dự án nhà ở thương mại, như vậy sẽ thu hút được doanh nghiệp tham gia xây dựng, tăng nguồn cung", ông Thành khuyến nghị.