Hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Đã hoàn thành gần 8 triệu mét vuông nhà ở xã hội Phát triển nhà ở xã hội sẽ tăng tính bền vững cho thị trường bất động sản Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 6/2023 |
Thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp
Trong giai đoạn 2016-2020, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 24,67 ha, diện tích sàn xây dựng 1,23 triệu m2, quy mô 14.954 căn hộ. Đây có thể coi là giai đoạn nhà ở xã hội được phát triển mạnh mẽ nhất tại TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, lượng nhà ở xã hội chưa thể đáp ứng hết nhu cầu rất lớn của người dân có thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức đang khó khăn về nhà ở.
Đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện việc phát triển loại hình nhà ở này đang gặp không ít khó khăn, hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, đặc biệt là phải thực hiện thêm các thủ tục như thẩm định giá bán, xác nhận đối tượng mua, thuê mua, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức...
Các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có dành 20% quỹ đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội? |
Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có dành 20% quỹ đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội thì chưa có quy định hướng dẫn về xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, chưa có quy định pháp luật về xác định cơ quan chủ trì thẩm định và phê duyệt các chi phí nêu trên để hoàn trả cho chủ đầu tư; chưa có hướng dẫn về việc thanh toán cho chủ đầu tư khi bàn giao quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho Nhà nước để thực hiện dự án...
Cũng nêu ra khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Dương Đức Tuấn đã chỉ ra vướng mắc trong quy hoạch, sử dụng nguồn tiền thu được từ việc đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng và cơ chế, ưu đãi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...
Vì lẽ đó, nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng cách nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%. Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp nộp tiền vào quỹ của thành phố với số tiền lên tới gần 5.000 tỷ đồng, song lại chưa có hướng dẫn để chi khoản này.
Tập trung sửa đổi cơ chế, chính sách
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trước tình hình này, càng thấy rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bố trí nguồn vốn ưu đãi cho vay để phát triển nhà ở xã hội và sự quan tâm của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp...
Thể hiện quyết tâm thay đổi, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", trong đó đặt ra quan điểm và mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn; trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn, giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn, đồng thời giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội cụ thể cho các địa phương trong từng giai đoạn (2022-2025 và 2025-2030).
Góp ý để đạt được các mục tiêu trên, ông Dương Đức Tuấn kiến nghị cho phép Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án tại các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung). Đồng thời, giao quyền cho Hà Nội điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, nhà lưu trú, tạm trú.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng kiến nghị các bộ, ngành trung ương sớm ban hành hướng dẫn việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (dự án thương mại có diện tích dưới 10 ha, chủ đầu tư được lựa chọn hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng cách nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%). Cần có quy định rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội. Trường hợp thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cần có quy định quy trình đấu thầu riêng (đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện) đối với loại hình nhà ở xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, thời gian tới, Bộ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc sửa đổi một số luật như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu... Chú trọng tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách về nhà ở xã hội, trong đó quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước…
Theo báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn 2021-2025 (tính đến ngày 18/5/2023), đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.
|